Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Mai Sơn ra mắt sách 'Sự quyến rũ của chữ'

Gần 300 trang sách tập hợp những bài phê bình, cảm nhận của nhà văn về các tác giả, tác phẩm trong và nước ngoài với góc nhìn mới lạ.

Ngày 27/10, nhà văn Mai Sơn giới thiệu tập tiểu luận Sự quyến rũ của chữ - cuốn sách anh viết và ấp ủ trong 10 năm qua. Theo nhà văn đây không hoàn toàn là một cuốn sách phê bình, Sự quyến rũ của chữ là một tập hợp những cảm nghĩ và nhận xét được rút ra từ việc đọc của riêng tác giả.

“Tôi chỉ là nhà phê bình tài tử. Đọc trong tinh thần thưởng ngoạn, cốt để loại bỏ tạp chất, rút ra tinh chất. Đọc kỹ, rất kỹ, nhưng không hy vọng chia sẻ được với ai cả. Vì cái đọc ngày càng có tính cá nhân, thậm chí như một nghi lễ với chính mình. Và viết để thể hiện cái đọc đó là phương cách chiếm hữu cho riêng mình những giá trị nằm trong tác phẩm”, nhà văn tự nhận.

Mai Son ra mat sach Su quyen ru cua chu anh 1
Nhà văn - dịch giả Mai Sơn nhận mình là nhà phê bình tài tử. Ảnh: P. Loan.

Trong gần 300 trang sách, người đọc sẽ có dịp chiêm ngưỡng, khám phá thêm ý tứ, vẻ đẹp từ những trang truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận của tác giả trong và ngoài nước. Đó là bài bình luận của Mai Sơn về tác phẩm Trăm năm cô đơn hay tác giả Albert Camus - tư tưởng phi lý và văn chương vượt lên phi lý.

Ngoài ra, Mai Sơn còn khám phá vẻ đẹp trong ngôn ngữ hoặc kết cấu câu chuyện trong truyện ngắn của các tác giả Việt Nam như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Quang Lập, Song Khê, Trần Nhã Thụy, Dương Bình Nguyên...

Trong đó, bài phê bình một tập phê bình của giáo sư Huỳnh Như Phương là thách thức nhất với anh vì đó là "bức tranh toàn cảnh, có nhiều đường ngang ngõ dọc trong đó". 

Nói về sự khác nhau giữa viết lý luận và nhà văn, Mai Sơn cho rằng viết phê bình rất khó. Nếu nhà văn sáng tác dựa vào cuộc đời, giấc mơ, trải nghiệm. Còn người phê bình dựa vào văn bản của người khác để sáng tạo.

"Tôi cho rằng muốn trở thành một nhà phê bình chuyên nghiệp thì phải đọc rất nhiều. Làm sao để trở thành một nhà phê bình không ăn theo, quẩn quanh với tác phẩm của người ta", ông nói. 

Mai Son ra mat sach Su quyen ru cua chu anh 2
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong sự kiện. Ảnh: P. Loan.

Có mặt trong buổi ra mắt sách nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ thưởng thức cuốn sách là sở hữu tất cả những gì có trong sách nhưng đọc một cuốn  phê bình lại chứa những góc nhìn, phát hiện mới.

Đọc phê bình như được nhà phê bình đó tát cạn thêm ý nghĩa của cuốn sách, giúp cho người đọc có thể thu được những trái chín trong khu vườn trầm tư của tác giả mà vì lý do nào đó đã không nhận ra. Dưới ánh đèn của nhà phê  bình tài năng, người đọc nhìn được nhân vật trong sách cái hồn thăm thẳm của một kiếp người, số phận. Đó là lý do anh gợi ý Mai Sơn đặt tên sách là Sự quyến rũ của chữ.

Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm