Giáo sư Albert-László Barabási là một nhà vật lý gốc Hungary, hiện ông mang hai quốc tịch Hungary và Mỹ. Ông nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về lý thuyết mạng lưới. Hiện, Albert-László Barabási được phong danh hiệu Giáo sư xuất sắc và giữ chức giám độc Trung tâm Nghiên cứu Mạng lưới Phức hợp (CCNR) tại Đại học Northeastern, Mỹ.
Chiều 21/10, Giáo sư Albert-László Barabási có mặt tại Việt Nam nhân dịp ra mắt bản tiếng Việt cuốn Thế giới mạng lưới của ông. Tác giả có cuộc trò chuyện về cuốn sách và ngành khoa học mạng lưới.
Giáo sư Albert-László trả lời phỏng vấn về khoa hoạc mạng lưới tại Việt Nam. |
- Điều gì khiến ông quyết định xuất bản cuốn sách "Thế giới mạng lưới" và giới thiệu tới công chúng?
- Khoảng năm 1998 có những phát hiện rất lớn trong khoa học mạng lưới. Những phát hiện này chủ yếu nằm ở trong các tạp chí chuyên ngành. Lúc đó tôi có cảm giác rằng nó có những ứng dụng rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Vì vậy tôi đã đặt mục tiêu cho chính mình là phải viết cuốn sách để chuyền tải những thông tin mang tính học thuật ấy đến với khán giả.
- Ông làm cách nào để chuyển tải những vấn đề chuyên sâu cho độc giả dễ hiểu hơn?
- Để kiến thức truyền bá nhiều hơn đến độc giả, thực ra tôi đã không giảm bớt những ý tưởng, kiến thức. Tôi chỉ không thể hiện ra những kiến thức quá học thuật về mặt toán học thôi.Tôi không giảm đi những ý tưởng quan trọng trong khoa học mạng lưới.
Tôi viết cuốn sách này với tư duy: độc giả là những người thông minh, nên họ sẽ hiểu.
- Liệu những dẫn chứng, lý thuyết ông đưa ra có quá xa xôi với độc giả đại chúng hay không?
- Cuốn sách này đã trở thành best-seller tại nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Điều đó cho thấy mục tiêu ban đầu của tôi là hướng tới độc giả quan tâm tới khoa học, nay đã vượt ra tầm mức mà tôi tưởng tượng. Thậm chí ở Mỹ, cuốn sách đã được coi là sách kinh doanh bán chạy nhất.
Tôi nghĩ thực tế ấy cho thấy, các đối tượng độc giả đã đọc và hiểu được cuốn sách.
- Sự phát triển của các mạng xã hội trên mạng xã hội như facebook, youtube… là minh chứng cho điều ông nói trong cuốn sách, rằng thế giới mạng lưới ngày càng phổ biến và quan trọng hơn?
-Tôi viết cuốn sách này năm 2002, khi đó mạng xã hội bắt đầu khởi phát. Tôi nghĩ đó cũng là lý do khiến cho cuốn sách này trở nên phổ biến. Các mạng xã hội như Facebook, YouTube ngày càng phát triển. Sự phát triển các mạng xã hội đó có liên quan tới những điểm nói trong cuốn sách này.
Tuy nhiên, tôi phải nhắc lại rằng có điểm khác biệt trong sự phát triển của các mạng xã hội với những điều viết trong sách. Đó là các vấn đề đề cập trong cuốn sách này không mang tính khác biệt về thời gian, còn những ứng dụng cụ thể như Facebook luôn luôn thay đổi theo thời gian.
- Ví dụ, Facebook khác biệt như nào so với lý thuyết ở trong cuốn sách này?
- Về các mạng xã hội như Facebook thay đổi theo thời gian không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Nhưng sự thay đổi ở đây là nó thay đổi về quy mô, có thể gấp 5, gấp 10 lần, nhưng các thành phần trong mạng lưới, hay nguyên lý nó hoạt động không thay đổi theo thời gian.
Cái điều đáng ngạc nhiên là, những sự kết nối trong các mạng xã hội đó, các lý thuyết hoạt động của nó lại không thay đổi.
Sách Thế giới mạng lưới là một cuốn ăn khách tại Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. |
- Vậy theo ông, chúng ta có thể vẽ các sơ đồ hoạt động của những mạng lưới đó không?
- Có những lĩnh vực quan trọng, chúng ta đã bản đồ hóa được các mạng lưới. Ví dụ, như world wide web của google đã bản đồ hóa, network của mạng xã hội thì Facebook đã làm… Nhưng có những mạng lưới khác rất quan trọng, ví dụ như mạng lưới của nơron thần kinh, chưa nhà khoa học nào bản đồ hóa được.
Tuy nhiên tầm quan trọng của các mạng lưới sẽ thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu nhiều hơn, để trong tương lai chúng ta có thể hiểu rõ hơn về các mạng lưới.
- Như vậy trong tương lai, khi chúng ta đã có những sơ đồ về các mạng lưới, thì chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề dễ dàng hơn?
- Vâng, rõ ràng là việc hiểu được các mạng lưới cũng như có các sơ đồ giúp chúng ta có nhiều ứng dụng hơn cuộc sống. Ví dụ chúng ta không thể chế tạo được các loại thuốc nếu chúng ta không hiểu được cơ chế tác động lẫn nhau giữa protein và oxy. CŨng như chúng ta không thể có hoạt động chính trị hiểu quả nếu như không biết được sự tác động giữa các bộ phận, thành phần trong xã hội…
Biết được các sơ đồ mạng lưới sẽ giúp ứng dụng được nhiều trong sinh học, xã hội học, chính trị...
- Sự đan cài giữa các mạng lưới thì sao? Liệu sự đan cài đó đã được nghiên cứu?
- Hiện nay có một lĩnh vực, đó là khoa học mạng lưới của các mạng lưới, nó nghiên cứu các mạng lưới tương tác lẫn nhau. Ví dụ mạng lưới internet và mạng lưới điện để cung cấp năng lượng cho mạng lưới internet được hoạt động. Và chúng ta luôn tưởng tượng rằng mạng lưới điện đảm bảo cho mạng lưới internet, nhưng nếu có một giao thức nào đó của máy tính mà hỏng thì nó cũng phá vỡ toàn bộ hệ thống đó.
- Phần giới thiệu sách nói "Thế giới mạng lưới" cung cấp người đọc một cách tư duy về mạng lưới. Vậy đây là một cuốn khoa học thường thức hay sách về triết học?
- Tôi đã rất ngạc nhiên bởi những phản ứng khác nhau của độc giả đọc sách. Đã có những thương nhân đến tìm gặp tôi và bảo với tôi đây là sách về việc xây dựng các công ty hay không. Lại có những bác sĩ đến gặp tôi và nói đây là cuốn sách nói về bệnh lý. Có thể các nhà triết học sẽ đến và nói đây là sách về triết học.
Nhưng với tôi, kinh tế, y học hay triết học… đều không nằm trong mục đích ban đầu viết sách của tôi. Cuốn sách này nói về bản chất của mạng lưới nói chung.
Và việc mọi người có phản hồi khác nhau như vậy, bởi vì mỗi người có một trải nghiệm khác nhau, và cũng vì khoa học mạng lưới liên quan nhiêu lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, mục đích của sách là cung cấp cái nhìn tổng quan để từ đó bạn có thể ứng dụng được vào từng ngành.
- Giới thiệu về khoa học mạng lưới đã phát triển như thế nào trên thế giới?
- Ngành khoa học mạng lưới phát triển trong vòng 20 năm. Hiện tại những người quan tâm đã có thể học lấy bằng tiến sĩ về khoa học mạng lưới ở Mỹ, châu Âu. Các trung tâm khoa học mạng lưới có ở rất nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả châu Á. Các công ty lớn như Google, Facebook đều có những trung tâm nghiên cứu khoa học mạng lưới.
Trong 20 năm qua, ngành khoa học mạng lưới đã tác động không hề nhỏ tới nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả trong công nghiệp lẫn các nghiên cứu chuyên ngành. Ngay tại Đại học Harvard, khoa học mạng lưới cũng được coi là một bộ môn nghiên cứu trong khoa Y học.