Cuối tháng 10, NXB Công An Nhân Dân phát hành cuốn tiểu thuyết dày dặn mang tên Núi mẹ. Tham dự buổi ra mắt sách, tác giả với dáng người nhỏ thó trong bộ vest xám thùng thình, khuôn mặt hằn lên nét gian truân. Anh giữ im lặng trước lời khen về cuốn sách của Trung tướng Hữu Ước, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, Đại tá, Giám đốc NXB CAND Nguyễn Hồng Thái. Cho tới cuối chương trình, tác giả mới lên bục nói lời cảm ơn.
Người đàn ông khắc khổ ấy là Nguyễn Đức Nguyên (sinh năm 1962), lớn lên ở Lạng Sơn. Những gian nan, vất vả đeo bám Đức Nguyên cứ như số mệnh anh sinh ra là để vượt qua những thử thách ấy.
Tác giả Nguyễn Đức Nguyên. Ảnh: Hoa Nguyễn. |
Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Nguyễn Đức Nguyên khi ấy 17 tuổi xung phong vào bộ đội, chiến đấu tại Tú Mịch (Lạng Sơn), một vùng chiến sự ác liệt. Hai phần ba quân số trong Tiểu đoàn 9 bộ đội địa phương Lộc Bình mà Đức Nguyên tham gia đã hy sinh, anh bám trụ ở địa bàn giáp biên ấy suốt 10 năm trời.
Với bản tính thẳng thắn, Nguyễn Đức Nguyên hai lần bị kẻ xấu vu hại, bị truy tố, bắt giam. Nhưng cả hai lần đó anh đều bị đình chỉ điều tra, được kết luận vô tội và trở về đơn vị cũ công tác.
Năm 1989, Nguyễn Đức Nguyên được phục viên, vợ anh là giáo viên mầm non có đồng lương ít ỏi. Gia cảnh khó khăn, vợ anh là chị Bế Thị Thượng làm đơn vay ngân hàng một khoản tiền lớn vào thời điểm đó là 5 triệu đồng. Số tiền vay được đã bị kẻ xấu lừa mất trắng trong một chuyến sang Trung Quốc lấy hàng.
Để có tiền trả nợ, Nguyễn Đức Nguyện nhận làm một công việc kỳ quặc là “ngồi tù thuê”. Anh nhận ngồi tù thay cho một vị đại gia, bù lại, vị đại gia kia sẽ trả món nợ 5 triệu đồng cho gia đình. Nhưng khi Nguyễn Đức Nguyên hoàn thành “hợp đồng miệng” với vị đại gia, anh trở về với đời thường thì biết được vị đại gia đã vỡ nợ.
Số tiền mà gia đình Đức Nguyên nợ từ 5 triệu đồng sau bao năm lãi mẹ đẻ lãi con đã lớn gấp nhiều lần. Túng bấn, Đức Nguyên làm liều. Anh phạm một sai lầm chết người là đi buôn ma túy. Ngay trong chuyến buôn đầu tiên, Đức Nguyên bị bắt khi vận chuyển 300 gram ma túy, và bị kết án tử hình năm 1999.
Trong buồng biệt giam chờ phút vĩnh biệt cuộc đời, Nguyễn Đức Nguyên quyết không viết đơn xin giảm án nữa. Cho tới khi người cán bộ của trại tạm giam tỉnh Lạng Sơn vào thăm, ông không bảo Đức Nguyên phải viết đơn xin ân giảm, mà chỉ tâm sự cùng anh câu chuyện của những người lính năm xưa, chuyện về sự sống và cái chết.
Ông khuyên người bị kết án tử nếu muốn chết, hãy chọn cái chết ý nghĩa như những người lính năm xưa hy sinh cho Tổ quốc. Người giám thị cũng khéo léo nhắc tới tình cảm thiết tha mong cho Nguyên được sống của vợ, con gái anh… Nghe giấc mơ của con gái có bố ở bên, Đức Nguyên đã viết đơn lên Chủ tịch nước xin được sống, để có cơ hội chuộc lại tội lỗi.
Từ hôm đó, người tử tù Đức Nguyên trỗi dậy lòng thiết tha yêu cuộc sống.
15 tháng sau, cho tới tháng 4/2001, trong phòng biệt giam thấp thỏm chờ ngày ra pháp trường như bao ngày, thì Nguyễn Đức Nguyên bất ngờ được chủ tịch nước ký quyết định tha tội chết, từ tội tử hình, anh được ân giảm xuống chung thân. Anh được đưa về trại giam Nam Hà chấp hành án lao động cải tạo.
Trong gần 17 năm đằng đẵng tại trại Nam Hà, Đức Nguyên chăm chỉ lao động, chấp hành nội quy trại giam, chưa một lần bị phê bình.
Trang viết trong tù của Nguyễn Đức Nguyên. |
Năm 2011, Ban giám thị trại giam Nam Hà phổ biến cuộc thi viết tự truyện dành cho phạm nhân mang tên “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”. Cuộc thi do Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an tổ chức. Nguyễn Đức Nguyên đăng ký tham dự với truyện Khởi nguồn. Bài dự thi gửi đi muộn nên không được chấm giải, nhưng các phạm nhân trong trại đọc và yêu thích, là sự khích lệ khiến Nguyễn Đức Nguyên quyết định viết tiểu thuyết.
1000 trang bản thảo tiểu thuyết Núi mẹ được người tù Nguyễn Đức Nguyên viết trong trại giam. Cho tới năm 2015, Nguyễn Đức Nguyên được đặc xá, trở về với gia đình. Năm 2016, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng (vốn biết Đức Nguyên từ cuộc thi viết tự truyện “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”) đã đề nghị với ban tổ chức Trại sáng tác Văn học Cây bút vàng cho Đức Nguyên tham dự.
Trong hai tuần tại trại sáng tác do Chi hội Nhà văn Công an nhân dân tổ chức, Đức Nguyên và nhà văn Đặng Vương Hưng đã cùng biên tập lại tiểu thuyết Núi mẹ. Cuốn sách được rút gọn xuống còn 500 trang.
Cho tới tháng 10/2017, khi tiểu thuyết Núi mẹ được xuất bản, Nguyễn Đức Nguyên đang phải đối mặt với một thử thách lớn: căn bệnh ung thư quái ác. Bệnh tật và những hoạn nạn, gian khó của cuộc sống không làm Đức Nguyên nản chí. Anh cho biết đang tiếp tục viết và cố gắng hoàn thiện cuốn tiểu thuyết Khởi nguồn dang dở của mình.
Bìa tiểu thuyết Núi mẹ. |
Tiểu thuyết Núi mẹ ra đời, được các cây bút chuyên nghiệp đánh giá là một nỗ lực lớn, thể hiện cái nhìn trong trẻo, yêu cuộc sống của một người từng nhiều lần vướng vòng lao lý.
Tác phẩm của Nguyễn Đức Nguyên lấy cảm hứng từ cuộc sống gắn liền với thiên nhiên hoang dã của bà con dân tộc trong các bản làng nơi có dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ. Câu chuyện Núi mẹ xảy ra vào thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thời điểm người dân bị ách áp bức của thực dân Pháp và cường hào ác bá. Nhờ các cán bộ Cách mạng cảm hóa, giác ngộ, đồng bào đã trở thành những chiến sĩ du kích kiên cường, anh dũng, chống lại quan binh, địa chủ để giành lại cuộc sống độc lập.
Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương – nhận xét, Nguyễn Đức Nguyên có cách diễn đạt khá gọn ghẽ, xử lý ngôn từ khéo, nhiều đoạn văn giàu chất thơ. Tiến sĩ Bích Hồng đánh giá cao những đoạn miêu tả về những mối tính đẹp nơi núi rừng xứ Lạng.
Nhà văn Đặng Vương Hưng nhận xét Núi mẹ dù là tiểu thuyết đầu tay của một cây bút non trẻ, nhưng tác phẩm thấm đẫm chất sử thi về vùng đất Lạng Sơn. “Tôi cho rằng, người viết khá am hiểu địa chí, lịch sử và văn hóa của vùng đất này, và có khả năng diễn đạt tốt” – Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng nói.
Nhưng điểm nổi bật nhất trong tác phẩm này, theo Đặng Vương Hưng, đó là tác giả giữ cái nhìn thiết tha yêu cuộc sống qua bao gian khó cuộc đời.