Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Ma Văn Kháng và hồi ức tuổi thơ ở ATK Thái Nguyên

​Lòng yêu nước là thứ tình cảm thiêng liêng, tự nhiên như hơi thở. Sống trong bầu không khí sục sôi của kháng chiến, con người ta nhận ra Tổ quốc và tự do đáng quý vô ngần.

Ma Văn Kháng là một tác giả có sức sáng tạo bền bỉ khiến người ta nể phục. Tiểu thuyết dành cho thiếu nhi Chim én liệng trời cao ra đời khi nhà văn đã bước sang tuổi 81. Nhưng đó chưa phải tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Mới đây nhà văn Ma Văn Kháng vừa cho ra đời cuốn kí sự tiểu thuyết Mãi mãi một thời thiếu sinh quân.

Tác phẩm tái hiện lại quãng thời gian đầy ắp kỉ niệm của tác giả khi học tại Trường Thiếu sinh quân Trung ương ở ATK (An Toàn Khu) được đặt tại Thái Nguyên, thuộc Liên khu Việt Bắc. Không chỉ kể về hành trình trưởng thành của một chú bé trong những năm tháng khó khăn của đất nước, cuốn tiểu thuyết này còn chứa đựng những câu chuyện đầy tự hào của một dân tộc yêu nước. Thứ tình cảm thiêng liêng, nồng nàn được nhân lên từ những trái tim bé nhỏ.

Niềm tự hào của những chiến sĩ nhỏ

Nhân vật trung tâm của cuốn kí sự tiểu thuyết Mãi mãi một thời thiếu sinh quân là cậu bé Đoan, 13 tuổi, cao 1m28, nặng chưa đầy ba mươi cân. Vốn đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng anh bạn nhỏ này đã đứng trước một ngã rẽ đáng nhớ của cuộc đời, trở thành học sinh của Trường Thiếu sinh quân Trung ương, là một phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Hai người anh trai của Đoan đều đã đi bộ đội, khi biết cậu con trai út có ý định tham gia vào trường thiếu sinh quân, bố Đoan tự hào lắm, anh cả cũng lấy làm mừng. Trong bữa cơm chia tay, tiễn Đoan lên đường đi học, anh Hải dặn dò cậu em đủ điều. Kháng chiến còn dài, muốn giành lại tự do cho dân tộc, ngoài lòng dũng cảm, người ta cũng cần phải hiểu biết và có tri thức. Người anh cả mong đứa em bé bỏng của mình cố gắng rèn luyện bản thân, không phụ sự kì vọng của gia đình.

Nha van Ma Van Khang va hoi uc tuoi tho o ATK Thai Nguyen anh 1
Kí sự tiểu thuyết Mãi mãi một thời thiếu sinh quân.

Với một cậu bé sinh ra và lớn lên ở đất Hà thành, từ nhỏ đã sống trong sự bảo bọc của cha mẹ, thì chuyến đi này đã trở thành một “cuộc phiêu lưu” đúng nghĩa. Đường đến An Toàn Khu tuy có vất vả, nhưng nhờ sự giúp đỡ của những người dân tốt bụng, đang trên đường đi tản cư, nỗi khó nhọc của Đoan cũng vơi bớt phần nào. Thời ấy, cứ thấy bộ đội là người ta quý và thương lắm!

Những ngày đầu sống trong môi trường tập thể ở trường, khiến cho một cậu bé hồn nhiên như Đoan thấy thú vị lắm. Anh chàng làm quen được với bao nhiêu bạn mới. Đó là Toàn, cậu bé hồn hậu và thật thà: ngoài ra còn có Khánh, chàng công tử bột quyết tâm đi theo kháng chiến và anh chàng Thiết “đen” khỏe như vâm. Sự hồn nhiên của những người bạn cùng tuổi ấy khiến Đoan nhanh chóng quên đi nỗi nhớ nhà.

Việc luyện tập tuy có vất vả, nhưng điều khiến các “chiến sĩ nhí” cảm thấy sợ hơn cả vẫn là những cơn sốt rét rừng. Đang khỏe mạnh, bỗng đâu Đoan thấy váng đầu rồi nằm vật ra. Cái lạnh khiến người ta run lên từng chặp, tưởng như phát ra từ trong gan ruột. Đắp mấy cái chăn cũng không hết rét, mấy người bạn học phải nằm đè lên Đoan, nhưng cậu vẫn run lên từng cơn.

Bệnh sốt rét cứ như người “ốm vờ” vì cơn sốt không đến dồn dập. Hôm nay, đang khỏe mạnh thì mai lại sốt. Căn bệnh bướng bỉnh ấy cứ bông đùa người ta mãi không thấy chán. Để đẩy lùi được sốt rét, Đoan chọn cách nghiêm khắc với chính bản thân mình. Trước giờ cơn sốt đến, thay vì “ngồi im chịu trói” anh chàng này quyết định làm việc thật hăng say. Nếu cậu cứ giữ tâm trạng ủ ê, mệt mỏi sẽ chẳng bao giờ chiến thắng bệnh tật.

Nha van Ma Van Khang va hoi uc tuoi tho o ATK Thai Nguyen anh 2
Đoàn Nghệ thuật Thiếu nhi Liên khu X và đội Thiếu sinh quân đến mừng sinh nhật Bác năm 1950 tại Việt Bắc.  Ảnh: Báo Mới.

Mệt mỏi, nhớ nhà là điều không tránh khỏi khi phải sống xa gia đình. Thế nhưng, chỉ cần nghe tin thắng trận là bao nỗi muộn phiền, cực nhọc đều tan biến. Nhưng vui hơn cả là giây phút được gặp Bác Hồ. Nhìn thấy Người, mà Đoan cứ ngỡ mình đang mơ. Những lời động viên của vị lãnh tụ kính yêu như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ nhỏ tuổi.

Câu chuyện dạt dào kỉ niệm

Mãi mãi một thời thiếu sinh quân như một món quà đầy tình cảm mà nhà văn Ma Văn Kháng dành tặng cho chính mình và những người bạn cùng rèn luyện trong những năm tháng gian khổ của chiến tranh ở trường Thiếu sinh quân Trung ương. Tác giả đã tâm sự: do tuổi cao, nên những ký ức đã có phần mờ nhòa, nhưng ông vẫn cố gắng viết, để lưu giữ lại những kỉ niệm đáng quý ấy.

Những gì được kể trong tác phẩm này không chỉ là câu chuyện của một người, một cá nhân. Hơn tất cả, trong đó có một phần lịch sử vẻ vang của dân tộc. Chúng ta đã giành chiến thắng không chỉ nhờ sức mạnh của súng ống và đạn dược. Vũ khí quan trọng nhất của cả dân tộc chính là tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước. Tình đồng đội, tình cảm quân dân "như cá với nước", được miêu tả đầy chân thực trong những trang viết của nhà văn Ma Văn Kháng là minh chứng cụ thể nhất cho điều đó.

Đọc Mãi mãi một thời thiếu sinh quân, độc giả nhỏ tuổi còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà rất đỗi thơ mộng của núi rừng tây bắc một thời xa vãng. Ở đó có hoa ban khoe sắc, có tiếng bầy ve râm ran, đêm đêm người ta giật mình vì nghe thấy tiếng gầm vẳng lại.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm