Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh năm 1936 tại phủ Hoài Đức, Hà Đông, Hà Nội. Ông được biết đến từ những đoản văn, tùy bút cho phụ trương văn nghệ học sinh của các báo.
Từ 1957, ông viết nhiều đoản văn, truyện ngắn, truyện dài. Ông chủ trương hoạt động nhà xuất bản Văn Xã, chủ trương tạp chí Văn Nghệ , cộng tác với một số báo khác. Có 13 tập truyện ngắn, tám tập truyện dài của Dương Nghiễm Mậu đã được xuất bản.
Hai cuốn sách của Dương Nghiễm Mậu. |
Năm 2007, bốn tập truyện ngắn của ông đã được tái bản: Đôi mắt trên trời, Cũng đành, Tiếng sáo người em út và Nhan sắc. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét về bốn cuốn sách: “Đọc nó, độc giả sẽ được phát hiện một nhà văn xuất sắc với một lối viết hiện đại, thấm đầy chất hiện sinh, đi sâu vào thân phận con người, phơi bày những cảnh ngộ làm người trong một thế giới nhiều bất trắc, phi lý. Do đó đọc ông không thể đọc theo kiểu ngoại quan mà phải bằng con mắt nội quan.
Từ điển văn học của Nhà xuất bản Thế Giới nhận xét: "... (Dương Nghiễm Mậu) là một trong những nhà văn Việt Nam thế hệ 60-70 đã đào rất sâu vào bản chất của cuộc hiện sinh con người... Ông đứng riêng một cõi, dường như không có bạn đồng hành và đã tạo được một lối cấu trúc về truyện ngắn, truyện dài nằm trong nhân sinh quan bao quát của triết học hiện sinh và vô thần..."
Tranh sơn mài thuộc bộ mặt nạ tuồng của Dương Nghiễm Mậu không treo trên tường, mà nằm trên mặt ghế. Ảnh: FB Như Huy |
Sau năm 1975, Dương Nghiễm Mậu chuyển sang nghề vẽ tranh sơn mài. Ông làm lại các tranh theo mẫu tác phẩm của các danh họa, nhưng chuyển thể sang sơn mài, tranh phong cảnh… Dương Nghiễm Mậu có loạt tranh làm theo đề tài mặt nạ tuồng, nhằm mô tả các tính cách, sắc thái khác nhau của con người như hỉ, nộ, ái, ố, sang, hèn… Dù có tay nghề về sơn mài, nhưng ông chỉ nhận mình là một nhà văn làm thợ sơn mài.
Trên facebook cá nhân, giám tuyển, họa sĩ Nguyễn Như Huy nói lời chia tay với Dương Nghiễm Mậu: “Tạm biệt ông. Chúc ông một chuyến viễn du vào cõi không còn hỉ, nộ, ái, ố, sang, hèn, trung, phản, ta, địch nữa. Tôi sẽ nhớ mãi nụ cười tủm tỉm cùng đôi mắt tinh anh của ông”.