Lễ viếng họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm diễn ra lúc 11h15 tới 12h45 ngày 17/6 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Trần Thánh Tông, Hà Nội). Thi thể danh họa được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, an táng tại nghĩa trang Văn Điển.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: wiki |
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20/10/1922 tại Nam Đàn, Nghệ An (một số tư liệu cho rằng ông sinh năm 1918). Từ nhỏ, Nguyễn Tư Nghiêm đã rất thích vẽ. Ông theo anh trai ra Hà Nội tìm họa sĩ Lê Phổ để học vẽ. 19 tuổi, ông đã đỗ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. 22 tuổi, Nguyễn Tư Nghiêm tạo tiếng vang khi có tác phẩm được giải nhất tại triển lãm của Salon Unique.
Ông tham gia Việt Minh tại Nghệ An, rồi lên chiến khu Việt Bắc công tác tại Đoàn Văn hoá kháng chiến, làm họa sĩ báo Toàn dân kháng chiến, báo Sông Lô, vẽ nhiều tranh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách. Năm 1951, Nguyễn Tư Nghiêm làm giảng viên của trường Mỹ thuật kháng chiến. Ông cùng một số họa sĩ thể nghiệm, tìm tòi chất liệu sơn mài, góp phần tạo nên một thay đổi quan trọng cho sự phát triển sơn mài truyền thống Việt Nam...
Sau năm 1954, Nguyễn Tư Nghiêm công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông tham gia dạy tại Trung cấp Mỹ nghệ Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội). Ông giảng dạy một thời gian ngắn rồi tập trung cho sáng tác.
Tranh sơn mài Gióng - một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Tư Nghiêm. |
Trong khoảng 70 năm sáng tạo, Nguyễn Tư Nghiêm tạo ra khối lượng tác phẩm đồ sộ. Ông thử nghiệm, tìm tòi, làm việc với nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu, bột màu, chì than. Nguyễn Tư Nghiêm đã tạo dựng một phong cách nghệ thuật đặc biệt từ việc học tập mỹ thuật dân tộc, kết hợp giữa quá khứ với hiện đại. Tranh của ông được giới hội họa trong và ngoài nước yêu thích, sưu tập. Ông được xếp vào một trong những vị trí đầu tiên của nhóm “tứ trụ”, thế hệ thứ hai gồm: Sáng (Nguyễn Sáng) – Nghiêm (Nguyễn Tư Nghiêm) – Liên (Dương Bích Liên) – Phái (Bùi Xuân Phái).
Cho đến khi ngoài 90 tuổi – tuổi mà nhiều người ngừng sáng tạo – thì Nguyễn Tư Nghiêm vẫn mẫn cán làm việc. Gần như ngày nào ông cũng vẽ. Tác phẩm nào của ông cũng thấm đẫm tình cảm, tài năng. Tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm được lưu giữ như báu vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.