Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn của thế hệ trẻ Israel tới Việt Nam

Nhà văn Etgar Keret đã tới Việt Nam để ra mắt tuyển tập truyện ngắn "Đột nhiên có tiếng gõ cửa" vào ngày 6/5 ở TP HCM và sẽ có mặt tại Hà Nội vào ngày 7-8/5.

Sinh năm 1967 tại Ramat Gan, Etgar Keret là bậc thầy tài tình và chân thực về truyện ngắn. Ông nhiều lần giành được giải thưởng Bạch kim của Hiệp hội xuất bản sách, Giải thưởng Wingate (Anh, 2008), Giải thưởng được yêu thích của Thư viện St Peterburg (2010), giải Newman (2012)... Những bài đánh giá về tác phẩm của ông viết trên các tạp chí New York Times, Le Monde, The New Yorker, The Guardian, The Paris Review  Zoetrope. Trên 60 phim ngắn đã được dựng dựa vào truyện ngắn của ông. Sách của ông được xuất bản bằng 36 thứ tiếng trên 39 quốc gia. Năm 2007, Keret và Shira Geffen chiến thắng hạng mục "Camera d'Or" cho bộ phim Jellyfish trong liên hoan phim Cannes. 

Nhà văn Etgar Keret.

 Đột nhiên có tiếng gõ cửa là tuyển tập truyện ngắn Israel đầu tiên xuất bản tại Việt Nam. Cuốn sách là cánh cửa đưa độc giả Việt Nam tiếp cận với nền văn học đương đại của Israel bên cạnh những cuốn sách mang đậm tính lịch sử, kinh tế và học thuật mà độc giả Việt đã từng quen thuộc. Đây cũng là một trong những chuỗi hoạt động kết nối văn hóa, con người giữa hai quốc gia..

Đột nhiên có tiếng gõ cửa là tập truyện ngắn thứ 6 của Keret, cũng là tập truyện đưa ông vào hàng ngũ những nhà văn vĩ đại trên thế giới của thời đạiTập truyện là sự kết hợp hiếm có giữa thâm thúy và gần gũi, giữa lạ lùng với những điều ngớ ngẩn, hài hước, khát khao và đam mê. Tuy nhiên, cho dù hoàn cảnh câu chuyện thường vô cùng lạ lùng và quái dị, những nhân vật của ông lại chứa đựng những tính cách rất đỗi con người, quen thuộc và mãnh liệt. 

Bìa sách Đột nhiên có tiếng gõ cửa.

Các nhân vật trong truyện hầu như đều sống một cuộc sống trống rỗng, không phương hướng. Họ lạc lõng ngay cả trong cuộc sống của chính mình. Họ luôn mong mỏi ngóng chờ nhưng lại không biết mình đang chờ cái gì. Hình ảnh "tiếng gõ cửa" thể hiện cho sự mong mỏi ấy. Ví dụ trong truyện Nhắm mắt: Nhân vật chính Haggai đã có vợ con nhưng lúc nào cũng mơ mộng, mơ tưởng người khác là vợ mình, những đứa trẻ khác là con mình. Truyện Ari: Nhân vật nữ chính trong truyện yêu gần 30 người cùng tên Ari mà cuối cùng vẫn chưa thấy thỏa mãn, và ngay trong khi đang yêu người còn sống, lại chỉ có người đã chết (có ba anh chàng cũng tên Ari vì cô mà tự tử) mới khiến cô cảm thấy bớt cô đơn.

Etgar Keret cũng chỉ ra rằng cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, sự không chắc chắn, ngay cả sau khi con người ta đã chết.  Trong truyện One step beyond, một kẻ giết thuê máu lạnh, sẵn sàng giết cả trẻ nhỏ, bị án tử hình. Hắn chết với tâm niệm chắc chắn rằng mình sẽ rơi vào địa ngục nhưng rốt cuộc, hắn lại đầu thai vào làm một nhân vật trong bộ phim hoạt hình Gấu Pooh của trẻ em, một nơi chỉ có sự sự thiện lương, vui vẻ, gần như thiên đường.

Và câu chuyện khiến chúng ta phải nghi ngờ về những gì mà mình đinh ninh là đúng: người xấu có thật là người xấu không? Người tốt có đúng là người tốt không? 

Hầu hết các truyện ngắn trong tập truyện đều không có lời kết, không đưa ra giải pháp gì, mà chỉ để lại một khoảng lặng để người đọc suy ngẫm. 

Minh Quân

Bạn có thể quan tâm