Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien cho biết dự luật của Trung Quốc tương đương với việc tiếp quản Hong Kong. Điều đó đồng nghĩa với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ không thể xác nhận Hong Kong “có mức độ tự trị cao”. Kết quả là có thể sẽ khiến Mỹ áp lệnh trừng phạt Trung Quốc theo Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong mà Quốc hội Mỹ thông qua năm 2019.
Theo Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, Bộ Ngoại giao Mỹ phải xác nhận ít nhất hàng năm rằng Hong Kong vẫn duy trì mức độ tự trị, thì mới được hưởng quy chế giao thương có lợi.
Ông O’Brien cảnh báo Hong Kong có thể mất vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu.
“Khó có thể thấy được khả năng Hong Kong vẫn là trung tâm tài chính châu Á nếu Trung Quốc tiếp quản”, ông O’Brien nói với NBC. Cố vấn Nhà Trắng nói các công ty tài chính ban đầu đến Hong Kong vì nền pháp trị tại đây bảo vệ doanh nghiệp và quyền tự do kinh doanh.
“Nếu những điều đó mất đi, tôi không nghĩ cộng đồng tài chính sẽ ở lại... Họ sẽ không ở lại Hong Kong để rồi bị Trung Quốc chi phối”.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam dự phiên họp ở Trung Quốc ngày 22/5. Ảnh: AFP. |
Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 22/5 đã gọi dự luật của Trung Quốc là “hồi chuông báo tử” cho sự tự trị của Hong Kong. "Mỹ mạnh mẽ kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại đề xuất tai hại của mình, tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng sự tự trị, thiết chế dân chủ và tự do dân sự ở mức cao của Hong Kong, những điều then chốt để thành phố duy trì vị thế đặc biệt theo luật pháp Mỹ", ông nói.
Dự luật được công bố trong kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, vốn bị hoãn nhiều tháng do đại dịch. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ cho phép Trung Quốc trực tiếp kích hoạt luật an ninh vốn bị phản đối ở Hong Kong lâu nay, không cần cơ quan lập pháp của Hong Kong phê chuẩn.
Hong Kong đã được quản lý theo quy tắc “một quốc gia, hai chế độ” kể từ khi được Anh trả lại cho Trung Quốc năm 1997.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết quy tắc một quốc gia, hai chế độ đã “đạt thành công chưa từng có ở Hong Kong”, nhưng cũng đem lại “các rủi ro an ninh quốc gia đáng kể”.
Động thái của Trung Quốc dẫn đến phản đối mạnh mẽ từ các nhà hoạt động và chính khách ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình để phản đối dự luật hôm 24/5, và cảnh sát Hong Kong lại dùng hơi cay để giải tán đám đông.
Gần 200 chính khách từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 17 thành viên Quốc hội Mỹ, hôm 23/5 đã công khai chỉ trích dự luật an ninh.
Trong một tuyên bố chung do cựu Thống đốc Hong Kong Christopher Patten và cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind dẫn đầu, 186 nhà lập pháp cho biết dự luật là “một cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị, luật pháp và các quyền tự do cơ bản của đặc khu”. Họ cũng nói dự luật này “rõ ràng vi phạm” tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Anh mà theo đó Anh trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, theo Reuters.
“Nếu cộng đồng quốc tế không thể tin Bắc Kinh sẽ giữ lời khi nói đến vấn đề Hong Kong, mọi người sẽ không muốn nói về những vấn đề khác nữa”, họ viết trong tuyên bố.