Gần 2 tháng nay, hàng chục hộ dân ở phường Lộc Thọ (TP Nha Trang, Khánh Hòa), hết sức lo lắng về việc Sở Y tế tỉnh này cho xây dựng công trình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại ngay trong khu dân cư.
Công trình này nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chỉ cách khu dân cư hơn 20 m, xung quanh có nhiều cửa hàng, khách sạn, cơ quan, công sở và 5 trường học lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng (nhà đường Lý Tự Trọng, phường Lộc Thọ), thời gian qua các cấp đã nhiều lần đối thoại để tìm giải pháp, nhưng không ai chấp nhận việc ở cạnh một lò xử lý chất thải y tế nguy hại.
Rác thải nguy hại của Bệnh viên tỉnh Khánh Hòa phải đóng gói, dùng xe lạnh chở vào Bình Dương xử lý. Ảnh: An Bình |
“Họ bảo công nghệ tiên tiến, đảm bảo không khói, không hôi, không ô nhiễm. Nhưng khi xây dựng xong nó không như họ nói thì ai chịu. Dự án này không có khoảng cách, cách ly an toàn. Đơn vị liên quan khi triển khai dự án không hề công bố, công khai thông tin về dự án, kể cả việc đánh giá tác động môi trường cho người dân biết”, ông Đồng nói.
Còn ông Đặng Ngọc Vinh (đường Quang Trung, phường Lộc Thọ) cho hay, bệnh viện nằm ngay trung tâm TP Nha Trang, dân cư đông đúc, có trường học, cơ quan nhà nước, khách sạn, nhà hàng... Cho dù dự án có sử dụng công nghệ tiên tiến nhưng nếu có sự cố sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh.
"Trung bình mỗi ngày, bệnh viện thải ra khoảng 300 kg rác thải y tế nguy hại. Hiện bệnh viện không có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại và trên địa bàn tỉnh cũng chưa có đơn vị thu gom, xử lý các chất thải này. Bệnh viện đang ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với một công ty tận tỉnh Bình Dương với chi phí gần 2,5 tỷ đồng/năm", ông Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa.
"Nha Trang là thành phố du lịch nổi tiếng. Nếu du khách biết ngay sát khách sạn mình ở có một lò xử lý rác thải nguy hại liệu có yên tâm không. Tôi đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thực hiện dự án và di dời đi nơi khác”, ông Vinh kiến nghị.
Đồng quan điểm với ông Vinh, gần 60 hộ dân khác tại phường Lộc Thọ cùng chung ý kiến, nên di dời công trình xử lý rác thải y tế nguy hại ra khỏi trung tâm thành phố để tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau.
Đã dừng thi công
Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, đơn vị làm chủ đầu tư dự án, cho biết Khánh Hòa đã và đang áp dụng các mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các bệnh viện theo các mô hình: xử lý tại chỗ và xử lý theo cụm bệnh viện hoặc tập trung.
Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa nằm ngay trung tâm thành phố Nha Trang. Ảnh: An Bình |
Cũng theo vị giám đốc sở này, nằm trong dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện của Bộ Y tế, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và UBND tỉnh, BV tỉnh Khánh Hòa được đầu tư 2 thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoan (Sterilwave) do Pháp sản xuất.
Đây là thiết bị xử lý rác thải rắn nguy hại hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Tổng kinh phí của dự án khoảng 55 tỷ, trong đó nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh gần 7 tỷ đồng.
“Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, chúng tôi đã chọn địa điểm xây dựng nằm trong khuôn viên của Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, khi vừa triển khai thì bị người dân phản đối quyết liệt.
Đến nay dự án vẫn chưa được thi công trở lại. Hiện Sở đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh để thực hiện các bước tiếp theo”, ông Minh chia sẻ.