Ngày 25/11, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý vụ hủy hoại hơn 10 cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Lâm Hà.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẩn trương chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, hoàn tất hồ sơ để xử những người vi phạm.
Đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân do thiếu trách nhiệm, không kịp thời kiểm tra, ngăn chặn để xảy ra vụ vi phạm nêu trên.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, phối hợp với chủ rừng xử lý vi phạm, không để xảy ra trường hợp tương tự.
Một cây bạch tùng bị chặt hạ. Ảnh: Đ.T. |
Công an tỉnh cũng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Lâm Hà tích cực điều tra, sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm vụ khai thác rừng nêu trên.
Vụ phá rừng này xảy ra tại lô B2, khoảnh 2, tiểu khu 249, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý).
Tại đây, nhiều cây cổ thụ có đường kính gốc lên đến 1 m, cao 30 m bị cưa hạ. Các lâm tặc còn lập xưởng cưa dã chiến, cưa xẻ gỗ ngay tại hiện trường.
Theo Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà, qua tuần tra tại khu vực rừng bị khai thác trái phép này có 11 cây cổ thụ bị cưa hạ, trong đó có 7 cây bạch tùng và 4 cây gỗ de với tổng khối lượng hơn 20 m3. Trong đó, hơn 17 m3 gỗ đã bị lâm tặc đưa ra khỏi rừng.
Lâm tặc xẻ gỗ ngay tại rừng. Ảnh: Đ.T. |
Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà cho biết sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng phát hiện tại vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) - Tổ trưởng nhận khoán bảo vệ rừng có 1,55 m3 gỗ bạch tùng.
Số gỗ này cùng chủng loại (nhóm IV), trùng với chiều dài với lóng gỗ bị cắt khúc tại hiện trường vụ phá rừng trên. Đồng thời, cơ quan chức năng đã xác định 6 người có liên quan đến vụ khai thác gỗ trái phép này.