Những đám mây không cần thị thực
Tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân năm 2022 do Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức ngày 12/4, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trình bày tham luận về văn học Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị nhân dân thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dẫn lời một nhà thơ đoạt giải Nobel nói rằng: "Thơ ca là một đám mây và những đám mây không bao giờ cần thị thực". Theo đó, đặc trưng của văn học là có thể bỏ qua những nguyên tắc, hàng rào của ngoại giao chính thống để lan tỏa, vượt qua và tiếp cận mà vẫn đặt vấn đề chính trong ngoại giao.
Từ khi thành lập (1957) đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã thực hiện tốt đường lối chỉ đạo, chính sách về đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước. Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hoạt động đối ngoại đặc biệt thành công của Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều năm qua, nhất là từ năm 1975 tới nay, chính là đối ngoại với các nhà văn Mỹ, thông qua các nhà văn Mỹ tác động tới công chúng Mỹ để kêu gọi Mỹ xóa bỏ cấm vận Việt Nam, hòa hợp giữa các bên, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Trong phát biểu của mình, ông đặc biệt nhấn mạnh đến Trung tâm William Joiner - một trung tâm đặc biệt thuộc Đại học Massachusetts (Boston, Mỹ) do các cựu binh Mỹ sáng lập. Đây là trung tâm mà các nhà văn, nhà thơ Mỹ nghiên cứu về hậu quả chiến tranh và xã hội qua con đường thơ văn. Chủ tịch danh dự đầu tiên của trung tâm này là ngài John Kerry - người sau này nỗ lực làm cho Quốc hội, Chính phủ Mỹ hiểu về Việt Nam và đẩy nhanh quá trình xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995.
"Các nhà văn Việt Nam đã đến Mỹ khi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn băng giá. Nhà văn Lê Lựu chính là người đầu tiên đến Mỹ theo lời mời của Trung tâm Wiliam Joiner.
Sau nhà văn Lê Lựu là tôi. Hồi đó, tôi còn rất trẻ, không phải là nhà văn cựu binh. Tôi đi dưới danh nghĩa là phiên dịch cho các nhà văn Việt Nam. Đến trung tâm, các giáo sư, bạn đọc, các trí thức Mỹ rất muốn lắng nghe các nhà văn Việt Nam, bởi vì văn học là hồ sơ tin cậy nhất về một dân tộc, về tư cách, ý chí và khát vọng của dân tộc đó. Họ rất ngạc nhiên khi những người lính Việt Nam chiến đấu kiên cường nhưng trong tác phẩm của những người lính ấy lại chứa đựng sự bình yên nhiều nhất", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
"Cách đây 4 năm, khi chúng tôi làm tuyển tập thơ về chiến tranh của các nhà thơ Việt Nam trong 10 thế kỷ. Tập thơ viết về chiến tranh nhưng ở đó không thấy máu chảy, không thấy sự thù hận nào, chỉ thấy khát vọng hòa bình của người Việt Nam", ông kể tiếp.
Một trong những tập thơ quan trọng nhất của Việt Nam mà người Mỹ xuất bản sau năm 1975 là Những bài thơ trong tài liệu bị bắt giữ. Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã chuyển về Mỹ một khối lượng tài liệu không nhỏ của những người lính giải phóng Việt Nam. Tài liệu đó là giấy tờ, tài liệu của những người du kích, những cán bộ nằm vùng, những chiến sĩ giải phóng quân… bị đánh rơi, bị bắt giữ hay bị hy sinh mà quân đội Mỹ thu được.
Những tài liệu này sau đó được giải mật và Đại học Massachusetts đã mua lại các thước phim chụp các tài liệu đó để làm tư liệu nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam.
Khi nghiên cứu những thước phim chụp tài liệu này, các nhà nghiên cứu ở Đại học Massachusetts phát hiện ra một điều hết sức kỳ diệu, đó là trong hầu hết cuốn sổ tay của những người lính giải phóng Việt Nam đều có vẽ một hình ảnh: chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình, và chép những bài thơ.
Những nhà nghiên cứu bắt đầu đọc và ngạc nhiên nhận ra rằng, trong tất cả những bài thơ đó không có sự thù hận, sợ hãi nào mà chỉ có tình yêu quê hương, yêu gia đình, cha mẹ, khát vọng hòa bình mãnh liệt, mong chiến tranh kết thúc để trở về lấy chồng lấy vợ, gieo cấy, xây nhà dựng cửa...
Sau đó, Nhà xuất bản báo chí Massachusetts quyết định tuyển chọn và dịch một tập thơ của những người lính giải phóng làm trong sổ tay ở chiến trường để giới thiệu với công chúng Mỹ.
Khi đến Mỹ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thay mặt những người Việt Nam cảm ơn các dịch giả Mỹ, nhà thơ Mỹ đã in tập thơ đó.
Một kỷ niệm ấn tượng khác được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ tại hội nghị, đó là khi ông được Hoàng gia Na Uy mời sang thăm, tiếp kiến vua và hoàng hậu nước này. Trước khi đi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã được biết về tình yêu của vua và hoàng hậu Na Uy: hoàng hậu là một thường dân và hoàng gia đã ngăn cản vua Na Uy lấy bà, thế nhưng cuối cùng họ vẫn đến được với nhau.
Tại buổi tiếp kiến, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã hỏi nhà vua Na Uy một câu rằng: Cho đến bây giờ ngài có thừa nhận rằng ngai vàng của tình yêu vĩ đại hơn, cao hơn và bay qua đầu tất cả những ngai vàng quyền lực không? Nhà vua Na Uy ngay lập tức gật đầu và trả lời: Đúng như vậy. Hoàng hậu Na Uy nói rằng: Tôi phải rất cám ơn một nhà thơ Việt Nam đã nói điều tôi muốn nói với nhà vua mà không nói được.
Bức thư gửi lãnh đạo Mỹ, Cuba và lời hồi đáp
Năm 2015, tại Việt Nam, trong một ngôi nhà nhỏ bé ở Hà Nội, các nhà thơ của 4 nước Việt Nam, Mỹ, Cuba, Colombia đã thảo một bức thư bằng ba thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha) gửi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro để kêu gọi Mỹ sớm xóa bỏ cấm vận với Cuba, bình thường hóa quan hệ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người trực tiếp tham gia soạn thư. Hàng chục nghìn nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ trên khắp thế giới đã ký tên ủng hộ bức thư.
"Sau đó, Tổng thống Obama đã gửi thư cho nhóm chúng tôi, nói rằng, ông đã nhận được thư và ông đồng nhất với cách nhìn của chúng tôi, rằng phải bình thường hóa quan hệ với Cuba. Tổng thống nói ông sẽ nỗ lực làm việc đó, ngay cả khi ông chấm dứt nhiệm kỳ", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại hội nghị.
Ông kể, nhà văn nổi tiếng của Mỹ là Grace Palley được lịch sử Mỹ gọi là bà mẹ của phong trào phản chiến. Bà quyết định ủng hộ Việt Nam sau khi đọc được bản dịch Bức thư Cà Mau của nhà văn Anh Đức, bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam và một số bài thơ khác.
Sau này, bà kể lại với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Bà đứng ở giữa phố New York với một tấm biểu ngữ phản đối chiến tranh Việt Nam. Và mỗi ngày trở về nhà vào cuối chiều, người bà ướt sũng bởi nước bọt của những người Mỹ đi qua nhổ vào bà. Nhưng 6 tháng sau, hàng nghìn người đứng quanh bà ủng hộ chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết văn học không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị với người nước ngoài mà còn có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Năm 1992, ông sang Australia theo lời mời của Bộ Ngoại giao và Thương mại nước này và đến ở nhà một Việt kiều. Giữa những người đồng bào của mình nhưng còn nhiều khác biệt, suốt đêm ông đọc thơ - những bài thơ trong tập Sự mất ngủ của lửa mà ông sáng tác (và sau này được Hội Nhà văn trao giải).
Sau khi Nguyễn Quang Thiều đọc thơ xong, những Việt kiều ở trong căn nhà đó đã đưa ông ra một con phố dài, hai bên là nhà hàng của đủ các nước. Họ nói: Bao giờ ông ăn hết những nhà hàng này mới được về nước.
"Thi ca đã thay đổi họ. Qua thi ca, các Việt kiều thấy được đời sống chính trị, xã hội, tình cảm của con người Việt Nam. Có thể họ không tin một bài báo, nhưng họ tin một bài thơ, một truyện ngắn, một tiểu thuyết, mà ở đó, nhà văn, nhà thơ không giấu được hiện thực mà anh ta đang sống", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Sau năm 1975, trong một cuộc gặp gỡ, giao lưu ở Đại học Massachusetts, một thượng nghị sĩ Mỹ nói: “Phát hiện lớn nhất của người Mỹ về Việt Nam là phát hiện về văn hóa’’.
Năm 2019, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được dự một buổi tôn vinh nhà thơ, giáo sư Kevin Bowen - người từng đóng quân ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và sau này trở thành Giám đốc Trung tâm William Joiner. Chính quyền Boston đã tôn vinh nhà thơ Kevin Bowen bằng cách chọn một ngày ở Boston gọi là “Ngày Kevin Bowen’’. Một trong ba lý do để chính quyền Boston tôn vinh Kevin Bowen được ghi rõ trong bản công trạng là: “Ông đã làm cho người Mỹ hiểu sâu sắc nền văn hóa của một kẻ thù cũ - Việt Nam’’.
Chia sẻ những câu chuyện này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định, văn học là những văn bản ngoại giao đặc biệt. Nó vẫn mang tinh thần của ngoại giao, đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước nhưng có tính lan tỏa khác biệt và phi biên giới. Mỗi tác phẩm văn học là một văn bản lương tri và thế giới luôn hiểu điều đó.
"Các nhà văn Việt Nam trên tác phẩm và phát ngôn của mình trên tất cả các diễn đàn trong nước và quốc tế phải bày tỏ được điều đó. Không chính trị hóa một cách thô thiển nhưng trong tác phẩm văn học, nhà văn phải làm cho dân tộc mình trở nên đẹp đẽ, kiêu hãnh, đầy tư cách và khát vọng, bất kỳ dân tộc nào cũng không được coi thường điều đó, kể cả một dân tộc lớn hơn về quân sự, kinh tế", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.