Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà sư Myanmar cưu mang rắn trong đền thờ, xem chúng là con cái

Nhà sư Wilatha cho biết mình đang cố gắng góp phần cứu những con rắn khỏi chợ đen, cũng như bảo vệ hệ sinh thái.

Theo Reuters, Wilatha, một nhà sư 69 tuổi, đã mở nơi trú ẩn cho các loài rắn tại tu viện Seikta Thukha TetOo ở thành phố Yangon, Myanmar.

Trong 5 năm qua, người dân và các cơ quan chính quyền, bao gồm cả sở cứu hỏa, đã đưa những con rắn gặp nạn hoặc bị bắt đến đây. Đến nay, tu viện đã cưu mang nhiều con rắn từ nhiều loài khác nhau, từ trăn đến rắn hổ lục và rắn mang bành.

nha su cuu mang ran anh 1

Nhà sư Wilatha ở Myanmar mở nơi cưu mang rắn gặp nạn trong đền thờ. Ảnh: Reuters.

“Khi bắt được một con rắn, mọi người thường sẽ tìm người mua nó”, nhà sư nói.

Tại Myanmar, phần lớn người dân đều theo Phật giáo. Vì vậy, ông cho rằng nếu có các khu trú ẩn, khu bảo tồn tương tự như mô hình của ông, mọi người sẽ có thể tích thêm phúc đức bằng cách giao những con rắn họ bắt được cho nhà sư, thay vì bán hoặc giết chúng.

Nhà sư Wilatha gọi những con rắn mà ông đang chăm sóc là “con cái” của mình, và cho biết ông cảm thấy bản thân đang góp phần vào việc bảo vệ vòng sinh thái tự nhiên.

Theo các nhà bảo tồn, Myanmar đã trở thành một trung tâm buôn bán động vật hoang dã trái phép trên toàn cầu. Các loài rắn của quốc gia Đông Nam Á này, trong đó có trăn Miến Điện, thường được tuồn lậu sang Trung Quốc và Thái Lan.

Dù bị coi là loài xâm lấn tại một số khu vực trên thế giới, trăn Miến Điện đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào danh sách các loài dễ bị tổn thương ở Đông Nam Á.

Kalyar Platt, một thành viên của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, cho biết: “Nhìn chung, loài rắn rất dễ bị căng thẳng nếu sống gần con người”. Vì vậy, anh khuyến khích đưa chúng trở lại tự nhiên càng sớm càng tốt.

Nhà sư Wilatha chia sẻ rằng mỗi tháng ông nhận được khoảng 300 USD tiền quyên góp để nuôi lũ rắn. Ông khẳng định sẽ chỉ giữ chúng cho đến khi nào chúng sẵn sàng trở về tự nhiên.

Trong một buổi thả rắn về rừng gần đây tại công viên quốc gia Hlawga, nhà sư cho biết ông rất vui khi thấy các con rắn được tự do, nhưng ông vẫn lo lắng chúng sẽ lại bị bắt.

“Chúng sẽ bị bán ra thị trường chợ đen nếu bị kẻ xấu bắt được”, ông nói.

Chạm trán rắn độc trong chuyến thám hiểm đêm ở Hong Kong

Những cuộc chạm trán giữa người và động vật hoang dã thường xuyên xảy ra ở Hong Kong vì rất nhiều khu vực bảo tồn thiên nhiên nằm quá gần đô thị đông đúc.

Hồng Ngọc

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm