Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chạm trán rắn độc trong chuyến thám hiểm đêm ở Hong Kong

Những cuộc chạm trán giữa người và động vật hoang dã thường xuyên xảy ra ở Hong Kong vì rất nhiều khu vực bảo tồn thiên nhiên nằm quá gần đô thị đông đúc.

William Sargent, 44 tuổi, điều hành Hong Kong Snakes Safari (tạm dịch: Vườn rắn Hong Kong), một nhóm chuyên tổ chức những chuyến đi bộ đường dài khám phá tự nhiên vào ban đêm.

Những chuyến đi của nhóm tập trung tìm hiểu quy mô đa dạng sinh học ở Hong Kong, một trung tâm tài chính với 7,5 triệu dân, vốn nổi tiếng với các tòa nhà cao tầng hơn là các khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn. Tham gia những chuyến đi kiểu này cũng là một cách để những người thành phố sợ rắn đối mặt với chính nỗi sợ hãi này trong tự nhiên.

Thường xuyên chạm trán

Hong Kong rộng hơn 1.100 km2, nhưng khoảng 40% diện tích là các công viên hình thành từ những năm 1970 khi vẫn còn là thuộc địa của Anh. Những cuộc chạm trán giữa người và động vật thường xuyên xảy ra vì rất nhiều khu vực bảo tồn thiên nhiên nằm quá gần đô thị đông đúc.

dong vat hoang da hong kong anh 1

Rắn thường ít được chú ý ở Hong Kong. Thế nhưng, vì nước này có tám loài bản địa có khả năng gây chết người, nếu chúng đến gần các khu dân cư sẽ rất nguy hiểm. Ảnh: The New York Times.

Đặc biệt, người ta có thể bắt gặp lợn rừng lang thang trên những con phố đông đúc hoặc ga tàu điện ngầm. Tháng trước, một gia đình lợn rừng đã phủ kín các mặt báo tại Hong Kong khi dạo qua khu trung tâm Hong Kong và bơi trong đài phun nước bên ngoài tòa tháp văn phòng 72 tầng của Ngân hàng Trung Quốc.

Rắn thường ít được chú ý ở Hong Kong. Nhưng vì nước này có tám loài bản địa có khả năng gây chết người, nếu chúng đến gần các khu dân cư sẽ rất nguy hiểm.

Lực lượng Cảnh sát Hong Kong tuyên bố bất cứ khi nào rắn đe dọa người dân, nó được “bắt sống và đóng gói an toàn” bởi những người bắt rắn chuyên nghiệp, sau đó gửi đến Trang trại Kadoorie và Vườn Bách thảo, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương cũng tiếp nhận các loài dơi, chim, cá sấu, khỉ, tê tê và rùa được cứu sống. Hầu hết rắn sau đó sẽ được thả về tự nhiên.

dong vat hoang da hong kong anh 2

Ông Sargent đang vây bắt con rắn. Ảnh: The New York Times.

Ông Sargent, người đã nuôi rắn như thú cưng từ khi còn nhỏ và sống tại một hòn đảo ngoại ô Hong Kong, nay là một chuyên gia được chứng nhận từ năm 2015. Ông cho biết công việc bắt rắn đã đưa ông đi khắp nơi, từ nhà tù, trường học, siêu thị, nhà chứa máy bay đến cả công trường xây dựng một khu cách ly Covid-19, nơi ông bắt được một con trăn dài 3 m.

Tháng trước, ông được mời đến một làng chài lúc 3h để bắt một con rắn hổ mang Trung Quốc dưới gầm giường một phụ nữ 90 tuổi.

Ngoài ra, ông còn điều hành một dịch vụ tour đi bộ đường dài và một nhóm giáo dục về rắn địa phương trên Facebook, với hơn 10.000 thành viên, nhằm đính chính những thông tin sai lệch phổ biến về loài này, ví dụ như việc rắn cắn rất phổ biến trong thành phố.

WHO ước tính trên thế giới có khoảng 81.000 đến 138.000 người chết vì rắn cắn mỗi năm, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Số người bị thương tật vĩnh viễn cao gấp ba lần.

Phần lớn trong số từ 1,8 triệu đến 2,7 triệu ca nhiễm độc do rắn cắn hàng năm trên thế giới xảy ra ở châu Á, đặc biệt tại các nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém và nguồn lực y tế thiếu hụt. Các quốc gia thiếu năng lực sản xuất thuốc kháng nọc độc là những nước có nguy cơ cao nhất.

dong vat hoang da hong kong anh 3

Sau khi vượt qua con suối nước dâng cao đến đùi và băng qua những tảng đá trơn trượt giữa đêm tối, ông Sargent phát hiện ra “mục tiêu” đầu tiên: một con rắn nước sống trên núi. Ảnh: The New York Times.

Theo phát ngôn viên của Cơ quan quản lý bệnh viện thành phố, ở Hong Kong, nơi có hệ thống y tế hàng đầu, không ai chết vì rắn cắn ít nhất là kể từ năm 2005. Năm 2018 (năm cuối cùng có dữ liệu), chỉ có 73 trường hợp bị rắn cắn được ghi nhận, tức là cứ 100.000 người thì có khoảng 1 người bị rắn cắn.

Ông Sargent nói: “Chẳng có gì huyền bí ở đây cả. Rủi ro là gì đã rất rõ ràng. Nhưng có một lỗ hổng lớn tạo nên những quan niệm sai lầm".

Chế ngự nỗi sợ rắn

Trong một chuyến đi bộ đường dài cùng phóng viên tờ New York Times, sau khi bắt được một con rắn mà ông giới thiệu là thuộc loài “độc thứ tư thế giới, và độc nhất ở châu Á cho đến bây giờ”, Sargent giải thích cách tốt nhất để tránh rắn cắn chỉ đơn giản là nhìn từng bước chân của mình thật cẩn thận và mang theo đèn pin chất lượng cao.

James Kwok, một người đam mê động vật hoang dã cùng tham gia chuyến đi, đưa ra lời khuyên: “Hãy nhìn mọi nơi bạn có thể nhìn được”.

Sau khi vượt qua con suối nước dâng cao đến đùi và băng qua những tảng đá trơn trượt giữa đêm tối, ông Sargent phát hiện ra “mục tiêu” đầu tiên: một con rắn nước sống trên núi. Ông khéo léo lấy nó ra khỏi tảng đá ven suối chỉ bằng tay không.

Khi cho cả nhóm xem con rắn, ông bị nó cắn vào tay chảy máu nhưng chỉ thản nhiên: “Nó không có nọc độc, vì thế vô hại”.

Vài phút sau, nhóm phát hiện một con rắn sọc đen trắng dài hơn, to hơn dưới ánh sáng đèn pin.

dong vat hoang da hong kong anh 4

Ông Sargent cho biết đó là một con rắn cạp nong nhiều sọc, sống về đêm và có nọc độc tấn công hệ thần kinh cực mạnh. Ảnh: The New York Times.

"Nhanh, nhanh, nhanh!", Sargent hét lên trong tiếng thì thầm. Cả nhóm đứng phía sau ông, chiếu đèn pin qua những tán lá như ánh đèn sân khấu.

Bất chợt, ông bổ nhào về phía trước, nhanh chóng xỏ chiếc găng tay chuyên dụng và cầm con rắn lên.

Khi nó giãy giụa, ông Sargent cho biết đó là một con rắn cạp nong nhiều sọc, sống về đêm và có nọc độc tấn công hệ thần kinh cực mạnh. Cả nhóm nín thở lo lắng.

Nhưng Sargent vẫn điềm tĩnh trấn an, nói trong ba thập kỷ xử lý rắn cạp nong, ông chưa thấy chúng cắn người bao giờ. Bản năng của nó là chạy trốn chứ không phải cắn.

Cả nhóm đứng xung quanh để sờ thử vào bụng con rắn, chỗ da rất mịn và mỏng manh như đôi má của trẻ sơ sinh, và ngạc nhiên trước lớp vảy tuyệt đẹp của nó khi nhìn cận cảnh.

Con rắn không thực sự thoải mái, nhưng có vẻ nó chấp nhận chịu đựng những con người tò mò trong vài phút. Khi cả nhóm đứng đó chạm vào con rắn trong bóng tối im lặng, họ cảm thấy nỗi sợ rắn của mình dường như nhẹ bớt.

“Chúng chẳng buồn kháng cự đâu”, ông Sargent nói.

Xong xuôi, ông thả con rắn vào bụi rậm để nó trườn đi.

Rắn hổ mang cuốn vào bánh xe đạp, 2 người đàn ông bỏ chạy Khi đang di chuyển giữa đường, hai người đàn ông trên xe đạp đã hoảng hốt vứt xe tháo chạy khi thấy con rắn hổ mang cuốn vào bánh xe.

Nông trại rắn hổ mang ở Trung Quốc thấm đòn Covid-19

Chính phủ Trung Quốc đưa ra lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã khi Covid-19 bùng phát. Lệnh cấm này đã khiến nông dân chăn nuôi các loài động vật trên lao đao.


Rắn bùn Selangor quý hiếm tái xuất sau 106 năm

Loài rắn bùn Selangor quý hiếm - được nhìn thấy lần cuối ở Singapore vào năm 1914 - vừa xuất hiện trở lại sau 106 năm.

Khánh Linh

Bạn có thể quan tâm