Những người ủng hộ TikTok tập trung trước Điện Capitol. Ảnh: AP. |
Ngày 22/3, khoảng 30 nhà sáng tạo nội dung với tổng cộng 60 triệu người theo dõi, đã tập trung ngoài Điện Capitol tại Mỹ để phản đối khả năng chính phủ nước này ban hành lệnh cấm ứng dụng.
Theo NBC, sự việc xảy ra một ngày trước khi ông Shou Zi Chew, CEO TikTok, điều trần trước Quốc hội Mỹ để giải thích cách ứng dụng bảo mật dữ liệu của người dùng.
"TikTok là nhà"
"Tôi sử dụng TikTok để san sẻ tình yêu với gia đình, cập nhật hành trình của chúng tôi trong việc nhận và chăm sóc con nuôi. Thông qua đó, tôi có thể tạo ra cộng đồng gồm những thành viên từ khắp nơi trên thế giới. Tôi yêu cầu các chính trị gia đừng lấy đi cộng đồng mà chúng tôi đã xây dựng", Jason Linton, chủ tài khoản @dadlifejason, cho biết.
Chính phủ Mỹ được cho sẽ cấm TikTok nếu ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng không bán cổ phần. Người chỉ trích cho rằng TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia do thu thập và gửi dữ liệu về Trung Quốc.
Một số chuyên gia bảo mật phản bác quan điểm trên. Họ cho rằng nhiều ứng dụng khác cũng thu thập dữ liệu, nhấn mạnh Mỹ không có quy định chung về quyền riêng tư của tất cả loại dữ liệu.
Người biểu tình giơ bảng yêu cầu chính phủ Mỹ không cấm TikTok. Ảnh: Reuters. |
Jamaal Bowman, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ, nằm trong nhóm phản đối cấm TikTok. Ông cho rằng nền tảng này "tạo ra cộng đồng và không gian tự do ngôn luận cho 150 triệu người Mỹ", đồng thời khẳng định đây là công cụ giáo dục, nơi "5 triệu doanh nghiệp nhỏ bán sản phẩm và kiếm sống".
Một số nhà sáng tạo cho biết họ được TikTok đưa đến Washington nhằm phản đối khả năng bị buộc tách khỏi công ty mẹ.
"Tôi muốn chấm dứt quan niệm sai lầm rằng đây chỉ là một ứng dụng. Nếu bị gỡ bỏ, những cộng đồng này không biết đi về đâu. Đây là nhà, và bạn không thể tước bỏ kết cấu xã hội này khỏi nhiều người", Duncan Joseph, người sở hữu hơn 4,5 triệu lượt theo dõi trên TikTok, cho biết.
Không muốn mất nơi kiếm sống
V Spehar, chủ tài khoản @underthedesknews trên TikTok, là một trong khoảng 20 nhà sáng tạo được mời đến Nhà Trắng vào tháng 9/2022. Trả lời NBC, Spehar cho biết việc Mỹ thay đổi lập trường về TikTok gây khó chịu cho cộng đồng sáng tạo, đặc biệt là những người được chính phủ hợp tác để chia sẻ thông tin trên nền tảng.
"Tôi nghĩ Nhà Trắng chắc chắn nhận ra tầm quan trọng và phạm vi tiếp cận của nền tảng này. Nếu không, tôi sẽ không có 2 lá thư trên bàn làm việc do Joe Biden ký, nói rằng nền tảng của tôi quan trọng như thế nào, và niềm tự hào của ông ấy về công việc của tôi", Spehar cho biết.
Naomi Hearts, chủ tài khoản @naomiheartsxo trên TikTok, khẳng định nền tảng này giúp cô nêu lên tiếng nói và quan điểm của những cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là người chuyển giới.
TikTok cũng mang đến Hearts khoản thu nhập lớn, với 50.000 USD trong năm đầu tiên và 100.000 USD trong năm thứ 2 nhờ các hợp đồng quảng bá thương hiệu.
Jamal Bowman, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ, lên tiếng ủng hộ các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok. Ảnh: Reuters. |
Đây không phải lần đầu chính phủ Mỹ đề xuất cấm TikTok. Năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố cấm nền tảng này, song điều đó không xảy ra.
Một số bang tại Mỹ đã cấm sử dụng TikTok trên thiết bị của chính phủ liên bang. Nhiều trường công lập cũng cấm sử dụng app trên thiết bị và Wi-Fi dành cho học tập. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang nhắm vào TikTok và ByteDance với cáo buộc theo dõi một số nhà báo.
Jamal Brown, phát ngôn viên TikTok, nói rằng cuộc biểu tình ngày 22/3 giúp các nhà lập pháp có cơ hội "lắng nghe trực tiếp từ những người có cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định của họ".
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.