Dường như mỗi tuần chúng ta đều có thể phát hiện ra một cửa hàng sách mới, đồ sộ mọc lên ở đâu đó tại Trung Quốc. Hiệu sách Zhongshuge (Chung thư các) mới xuất hiện tại thành phố Trùng Khánh nổi bật với trang trí nội thất tạo cảm giác “mê lộ” của những cuốn sách đã thu hút nhiều độc giả và du khách tham quan.
Một góc trong nhà sách ở Trùng Khánh, Trung Quốc. |
Bên trong hiệu sách có rất nhiều cầu thang kết nối tất cả các tầng, gợi liên tưởng dáng hình những ngọn núi trùng điệp của thành phố Trùng Khánh. Hiệu sách này rộng tới 1.300 m2, chứa tới 80.000 đầu sách các loại. Với hơn 30 triệu dân, thành phố công nghiệp phía tây nam Trung Quốc này có cơ sở dân số để hứa hẹn sự thành công về mặt thương mại cho hiệu sách.
Zhongshuge còn có rất nhiều cơ sở tại Thượng Hải, Hàng Châu và Thành Đô. Chủ dự án đồng thời là nhà sáng lập đã tham khảo kiến trúc những thư viện châu Âu cổ xưa có gam màu tối kết hợp với những giá sách nối từ sàn đến trần để gợi cảm thức thời gian. Khách đến hiệu sách sẽ có trải nghiệm làm việc, học tập và nghiên cứu trong bầu không khí tri thức đặc biệt giữa những bìa sách da thuộc.
Những nhà thiết kế cũng lấy cảm hứng từ dáng hình những chiếc đèn lồng và chụp đèn kiểu cũ. Tuy nhiên, điều “hớp hồn” nhất của không gian là cấu trúc “zích zắc” của cầu thang và những bức tường sách. Thiết kế này lấy cảm hứng từ cầu thang Penrose được biết đến rộng rãi nhờ nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà toán học người Hà Lan M.C. Escher.
Bên trong nhà sách Zhongshuge ở Trùng Khánh, Trung Quốc. |
Điều tuyệt vời hơn ở hiệu sách này là cách sử dụng gương và những bề mặt phản chiếu khiến không gian mở ra như vô cùng tận và mọi chi tiết lộn nhào như thế giới trong gương kỳ ảo của Alice.
Khu vực dành cho trẻ em cũng sử dụng kệ sách nối từ sàn đến trần nhà với những bức gương phản chiếu tạo hiệu ứng quang học để xóa mọi đường biên của không gian, phóng thích trí tưởng tượng của các bạn nhỏ.
Hiệu sách “mê cung tri thức” này ngự ở tầng ba và tầng bốn của một trung tâm mua sắm. Rõ ràng, những tuyên bố ngày nay ít người đọc sách giấy không thực sự đúng, ít nhất là ở Trung Quốc, những mô hình khuyến khích đọc sách giấy vẫn tỏ ra có lợi nhuận và phát triển mỗi ngày một tráng lệ hơn, phong phú hơn.