Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà ở xã hội đáp ứng chưa tới 1/3 nhu cầu

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay 179 dự án nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư 25.900 tỷ đồng trong những năm qua chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu của người dân.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sáng 7/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị chức năng phải có cơ chế, chính sách để làm nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân, nhất là người nghèo, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, công nhân.

Lấy khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Hà Nội) làm ví dụ điển hình, Thủ tướng nêu vấn đề còn nhiều nơi ở miền Nam, miền Trung, miền Tây Nam Bộ, ở mọi miền Tổ quốc có thể làm được như thế không. "Tôi cho rằng hoàn toàn có thể làm được nếu như các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương quan tâm, có cơ chế phù hợp để tổ chức xây dựng nhà ở xã hội", Thủ tướng nói.

Gói 30.000 tỷ chưa đáp ứng được nhu cầu

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

nha o xa hoi anh 1
179 dự án nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư 25.900 tỷ đồng trong những năm qua chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu của người dân. Ảnh: Zen Nguyễn

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, 179 dự án với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ trên cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 công nhân và người có thu nhập thấp. Tổng mức đầu tư cho các dự án nói trên khoảng 25.900 tỷ đồng trong đó có 97 dự án cho công nhân, 82 dự án cho người có thu nhập thấp.

Về kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở, tính đến 31/10/2016, hơn 32.800 tỷ đồng đã được ký hợp đồng cam kết cho vay và giải ngân 28.588,7 tỷ đồng (đạt 87,05%).

"So với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%", Bộ trưởng Xây dựng nói.

Còn theo báo cáo của UBND Hà Nội, tính đến hết tháng 11/2016, trên địa bàn thành phố có 36 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với gần 1.336.000 m2 sàn; đã bố trí, giải quyết chỗ ở cho 11.800 hộ gia đình. Riêng năm 2016, hơn 1.600 hộ  và trên 45.000 công nhân đã được giải quyết chỗ ở.

Nói về nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng thiếu nguồn vốn đầu tư là rào cản lớn nhất.

“Chúng ta đang thiếu vốn hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp để mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng như Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ phát triển nhà ở, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở”, ông nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Hà Nội lại cho rằng quy định dành 20% diện tích đất ở tại các dự án nhà ở thương mại (quy mô trên 10 ha) để phát triển nhà ở xã hội đã tạo ra các khu nhà ở xã hội nằm rải rác trong dự án nhà ở thương mại. Điều này gây áp lực về quy mô dân số (do diện tích căn hộ nhỏ), phát sinh bất cập trong việc quản lý và thu phí dịch vụ của khu đô thị.

Mặt khác, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nên tiến độ thực hiện thường chậm.

Do không thu tiền sử dụng đất, giá bán nhà bị khống chế nên tại một số dự án (nhất là các dự án nhỏ lẻ, có lợi thế về vị trí) giá nhà ở xã hội có chênh lệch lớn so với nhà ở thương mại cùng khu vực, dẫn phức tạp trong việc bán nhà, quản lý người mua nhà.

Không chỉ thế, tại một số dự án có trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để trục lợi như mua bán, đục thông 2 căn hộ liền nhau, cho thuê lại… Các dự án nhà ở công nhân hiện nay chủ yếu phục vụ cho các công nhân độc thân chưa lập gia đình (phòng ở tập thể mỗi phòng từ 8 đến 24 người), sau khi lập gia đình căn hộ trên không phù hợp dẫn đến bất cập về mô hình đầu tư. Các dự án nhà ở công nhân cho thuê nên thu hồi vốn chậm (15 năm), chưa thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia.

191 dự án đang tiếp tục được đầu tư khắp cả nước

Dù còn nhiều bất cập, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông báo “tin vui” tại hội nghị: các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án. Trong số đó, 70 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, 121 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp) với quy mô xây dựng 163.800 căn, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng.

Theo tổng hợp báo cáo, nhu cầu của các địa phương đến năm 2020 là khoảng 1 triệu căn hộ tương đương 50 triệu m2. Một số địa phương có nhu cầu lớn là Hà Nội hơn 110.000 căn; TP.HCM 134.000; Đà Nẵng 11.500; Đồng Nai 36.700; Bình Dương 41.250…

Lãnh đạo Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép thành phố thực hiện cơ chế thu bằng tiền đối với diện tích đất (20% quỹ đất ở) dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha. Điều này sẽ giúp Thành phố tập trung vốn tạo quỹ đất “sạch”, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến ngoài hàng rào, xây dựng trường học, nhà trẻ công lập.

Trong khi các địa phương đề nghị có quy hoạch phát triển nhà ở xã hội một cách rõ ràng, minh bạch và lâu dài; có quy hoạch nguồn đất sạch cũng như chính sách để việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà thuận lợi hơn. 

Bất động sản năm 2017 sẽ đi vào suy thoái?

Dự kiến có khoảng 40.000 căn hộ chào bán vào năm 2017 - 2018, sẽ tạo ra thừa cung và áp lực giảm giá mạnh.


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm