Sáng 31/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về trường hợp cô Trương Thị Lan (ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội) cho rằng trên thực tế tính toàn bộ hệ thống lương bình quân trong quá trình công tác của cô giáo Lan là 1,8 triệu đồng/tháng. Đây là căn cứ để tính lương hưu.
"Nếu đúng quy định, lấy 69% làm căn cứ để tính lương hưu thì cô giáo Lan được hưởng lương hưu là 1.262.158 đồng. Căn cứ theo Nghị quyết năm 2015 của Quốc hội, tất cả người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, khi về hưu, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì phải bù cho bằng lương cơ sở. Thế nên, Nhà nước đã bù thêm cho cô Lan hơn 37.000 đồng nữa mới đủ 1,3 triệu đồng", đại biểu Lợi cho biết.
Vị Phó chủ nhiệm cũng cho biết nguyên nhân lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan thấp, đầu tiên là thời gian đóng BHXH ngắn; thứ hai là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trên nền rất thấp.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Thắng Quang. |
Do đó, ông cho rằng cần nâng nền mức đóng BHXH trên tổng lương. Cùng với đó là tăng thời gian đóng BHXH lên, nữ đóng đủ 30 năm, nam đóng 35 năm thì khi nghỉ hưu sẽ được hưởng đủ 75%. Như vậy thì mức lương hưu sẽ cao hơn.
"Sắp tới hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 sẽ cho ý kiến về đề án cải cách đổi mới chính sách tiền lương. Có một nghịch lý là khi mức đóng BHXH tăng thì người lao động và cả doanh nghiệp đều không muốn. Do vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền về lĩnh vực này, nhất là phải quản lý minh bạch và hiệu quả quỹ BHXH", ông Lợi nói.
Theo đại biểu này, trên thế giới không có nước nào lương hưu vượt quá 75% của tiền lương đóng bảo hiểm như Việt Nam, cao nhất chỉ 50-60%. Nhưng, mức lương đóng BHXH của nước ta thấp nên dù tỷ lệ hưởng lương hưu cao thì mức tuyệt đối vẫn thấp.
Cô Trương Thị Lan khóc nghẹn khi nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm công tác. Ảnh: Phạm Trường. |
Ông Lợi nói thêm: "Câu chuyện cô giáo Lan cho thấy sự bất cập giữa khu vực công, khi so sánh với các ngành nghề như công an, bộ đội nhận lương cao. Bài toán đặt ra là muốn làm lĩnh vực nào cũng được, phần cứng của anh phải lớn. Đằng này của mình phần cứng lại nhỏ hơn phần mềm. Có ngành dựa theo thâm niên, có ngành lại không nên xảy câu chuyện không bình đẳng".
Cũng theo đại biểu Lợi, hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 cần phải đặt vấn đề này để xem xét, người về hưu có mức sống tương đồng nhau. "Không có đất nước nào công bằng được hết cả nhưng tối thiểu người về hưu ít nhất phải bằng mức sống tối tiểu chung của xã hội. Sau đó, anh nào đóng góp cao hơn thì được hưởng nhiều hơn", ông Lợi nhấn mạnh.
Cô Trương Thị Lan bắt đầu dạy trẻ ở trường Mầm non Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ năm 1980, nay là trường Mầm non Lê Duẩn. Ngày ấy, lương không nhận bằng tiền mà bằng thóc, gạo của phụ huynh.
Năm 1995, lương giáo viên mầm non được nhận bằng tiền, với 450.000 đồng/tháng, tăng dần theo các năm.
Năm 2003, giáo viên bắt đầu phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để đảm bảo điều kiện hưởng quyền lợi cho giáo viên sau khi nghỉ hưu, phía bảo hiểm xã hội đã có chính sách cho đóng bù thêm 8 năm bảo hiểm thời gian trước đó (từ năm 1995-2003) để đủ thời gian tối thiểu 20 năm cho việc hưởng quyền lợi.
Từ năm 2014, cô chính thức vào biên chế, tiền lương được tính theo hệ 3,46, mỗi tháng nhận hơn 5 triệu đồng. Tháng 9 vừa rồi, cô nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.