Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà nước chi 8.000 tỷ mua lại cổ phần ACV để dễ sửa sân bay hư hỏng?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng khi Nhà nước sở hữu 100% ACV sẽ đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng, việc quản lý, sửa chữa cảng hàng không sẽ thuận lợi hơn.

Chiều 4/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhận được nhiều câu hỏi về việc khó khăn trong việc sửa chữa đường băng tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cũng như đề xuất mua lại cổ phần ACV từ các nhà đầu tư ngoài Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã cung cấp thông tin về vấn đề này.

Đường băng sân bay của Nhà nước nên vướng về vốn

Đầu tiên, về việc lún đường băng sân bay, ông Đông cho biết trước đây, khi chưa cổ phần hóa Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), tất cả công tác quản lý, khai thác, đầu tư, nâng cấp, cải tạo khu bay thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp này trên cơ sở hạch toán. Khu bay bao gồm đường cất hạ cánh, đường lăn…

sua chua duong bang anh 1
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Hiếu Công.

Sau cổ phần hóa ACV từ 1/4/2016, những khu bay như đường băng, đường lăn vẫn thuộc tài sản Nhà nước, không giao cho ACV vì liên quan đến an ninh. Do đó, Nhà nước phải có trách nhiệm bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp đường băng.

Ông Đông cũng nhấn mạnh khi thuộc sở hữu Nhà nước, việc sửa chữa khu bay lại gặp khó khăn khi vướng về vốn đầu tư công.

“Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 khi đó rất khó khăn nên việc cải tạo này không nằm trong kế hoạch”, ông Đông thông tin.

Đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 44 về quản lý tài sản hàng không, trong đó có giao Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng phương án bàn giao tài sản hàng không.

Sau đó, Bộ GTVT trình Thủ tướng báo cáo và vẫn kiến nghị giao ACV quản lý tài sản khu bay trong giai đoạn 2020-2025. Sau giai đoạn này sẽ tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế lâu dài hơn theo hình thức nhượng quyền đối với khu bay.

Thứ trưởng Đông cũng cho biết Bộ GTVT đang kiến nghị dùng nhiều nguồn vốn khác nhau của Nhà nước, tư nhân hay nguồn vốn do ACV huy động để sửa chữa đường băng, đường lăn.

“Tuy nhiên, trước mắt, đề án chưa được phê duyệt, trong khi việc xuống cấp, hư hỏng cục bộ đường băng đã được phản ánh. Hiện ACV vẫn được giao quản lý, khai thác nên doanh nghiệp vẫn đang sữa chữa, khắc phục để đảm bảo an toàn bay”, ông Đông nói.

Nhà nước sở hữu ACV sẽ dễ dàng sửa chữa sân bay hơn?

Khó khăn khi có nhiều chủ sở hữu sân bay là một trong những lý do khiến Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng đồng ý để mua lại cổ phần ACV ngoài Nhà nước. Khi đó, ACV sẽ là một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và đảm bảo nguyên tắc chỉ một nhà khai thác cảng hàng không theo thông lệ quốc tế.

Trao đổi riêng với Zing.vn, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng hàng không, thực hiện theo Nghị định 44.

Trong đề án này, Bộ GTVT phân tích và đề xuất nhiều phương án quản lý sử dụng khu bay từ nay đến năm 2025.

Một trong những phương án là Nhà nước bỏ tiền ra mua lại số cổ phần ACV không thuộc sở hữu Nhà nước, hiện chiếm 4,6%.

“ACV 100% vốn Nhà nước để đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng”, ông Đông nói.

Để mua lại số cổ phần này, ước tính Nhà nước có thể phải bỏ ra khoảng 8.000 tỷ đồng. Con số này gấp khoảng 5 lần số tiền Nhà nước thu về trong đợt IPO năm 2015 của ACV, khi thị giá bình quân thời điểm đó chỉ là 14.300 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, ACV là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa thị trường đạt gần 177.000 tỷ đồng (7,6 tỷ USD). 

Ngoài ra, Bộ GTVT đề xuất tiếp tục giao ACV quản lý khai thác cảng hàng không trong giai đoạn từ nay đến 2025. Sau đó sẽ đánh giá và đưa ra phương án sau năm 2025.

Ông Đông cho biết trong đề án tổng thể có phân tích nhiều yếu tố ưu và nhược điểm khi ACV là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Trong đó, ưu điểm nổi bật khi đó là đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng và việc quản lý, khai thác, sửa chữa cảng hàng không sẽ gặp thuận lợi hơn hiện tại.

Tuy nhiên, nguồn vốn ở đâu để Nhà nước mua lại số cổ phần này không được lãnh đạo Bộ GTVT nói rõ.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng nghiên cứu, xem xét lộ trình mua lại cổ phần do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV, để ACV là doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.

Theo Bộ GTVT, sau khi cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được chuyển lại về Nhà nước quản lý, việc bố trí kinh phí cho công tác bảo trì khi đó thuộc trách nhiệm của Nhà nước.

Tính tới ngày 31/12/2018, Bộ GTVT đang nắm 95,4% cổ phần của ACV. Xếp sau các cổ đông nước ngoài, nắm 3,61% và các cổ đông khác trong nước, chiếm 0,99%.



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm