Tại buổi giao ban thường kỳ tháng 8 của Bộ GTVT ngày 29/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đề cập đến tình hình hư hỏng, xuống cấp và kế hoạch cải tạo 2 đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Tư lệnh ngành GTVT cho biết đường băng tại 2 sân bay này đã quá xuống cấp, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có tiền nhưng không thể đầu tư.
"Cần nhanh chóng báo cáo Thủ tướng và Thường trực Chính phủ để sớm gỡ cơ chế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hiện, đường băng và các hạng mục khu bay thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Vốn ngân sách sẽ được sử dụng để khắc phục hư hỏng phát sinh. ACV được "thuê" lại khu bay để khai thác nhưng không thể bỏ vốn sửa chữa do gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế đầu tư vào công trình Nhà nước.
Những bất cập về cơ chế đã dẫn đến thực trạng như hiện nay: Nhà nước có trách nhiệm cải tạo sửa chữa đường băng nhưng không có tiền, ACV có tiền nhưng không có quyền sửa chữa. Đường băng thì ngày một hư hỏng, đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
Đại diện ACV cho biết đơn vị này đang phải áp dụng biện pháp kiểm tra hàng giờ đối với 2 đường băng này. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng có cơ chế để thực hiện các sửa chữa.
Vệt hằn lún bánh máy bay rộng khoảng 1 m tại đường băng Nội Bài. Ảnh: NIA. |
Về kế hoạch sửa chữa lớn (đào móng đường lên và thảm vật liệu mới), ACV đang trình cơ chế khu bay lên Thường trực Chính phủ để chờ phê duyệt. Chỉ khi nào giao khu bay cho ACV thì đơn vị này mới có thể sử dụng vốn để sửa chữa lớn.
Theo đề xuất gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài muốn được đóng cửa đường lăn S3 từ 11 đến 16/9 để sửa chữa hư hỏng. Trước đó, đường lăn này từng phải đóng cửa sửa chữa vào ngày 9/8 nhưng không thể khắc phục triệt để hư hỏng.
Đường lăn S3 ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Google Maps. |
Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT và Cục Hàng không, lãnh đạo sân bay Nội Bài cho biết đường lăn và đường cất hạ cánh thường xuyên xảy ra tình trạng phụt bùn, rạn nứt gây uy hiếp an toàn bay.
Lún nứt, phụt bùn cũng là "triệu chứng" của đường băng Tân Sơn Nhất. Tần suất khai thác quá lớn là nguyên nhân chính của tình trạng này. Từ tháng 6/2013, đường băng 25R/07L được sửa chữa và đưa vào sử dụng với công suất hoạt động 55.100 lần cất/hạ cánh trong 10 năm. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm, số lần cất hạ/cánh đã là 126.000.