Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà ngoại giao Mỹ: Bộ Tứ có thể kết nạp thành viên mới để đối phó TQ

Trước "những thách thức chưa từng có" từ Trung Quốc tại khu vực, nhóm Bộ Tứ có thể kết nạp thành viên mới trong tương lai, theo quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Marc Knapper, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Hàn Quốc và Nhật Bản, hôm 24/10 nói Bộ Tứ "là nhóm tự nguyện bao gồm các quốc gia cùng chí hướng chia sẻ các giá trị chung về dân chủ, pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và tôn trọng tự do", theo Nikkei Asia.

Phát biểu tại Đối thoại Núi Phú Sĩ, sự kiện thường niên với sự có mặt của các lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị từ Nhật Bản và Mỹ, ông Knapper đề cập đến nhóm an ninh phi chính thức bao gồm 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Mặc dù Bộ Tứ đã trải qua nhiều thăng trầm từ khi ra đời, "đây là thứ mà tôi nghĩ rằng chúng ta đã thực sự bám sát, bốn quốc gia chúng ta, là thứ đáng để theo đuổi, và bây giờ là thứ mà chúng ta thường xuyên theo đuổi ở cấp bộ trưởng", ông Knapper nói.

bo tu co the ket nap thanh vien moi anh 1

Đối thoại Núi Phú Sĩ 2020 hôm 24/10 quy tụ các lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp của Nhật Bản và Mỹ, trong đó có Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Marc Knapper, trên cùng bên trái. Ảnh: Nikkei.

Ông Knapper cho biết Bộ Tứ hiện không "chiêu mộ thành viên mới" hay đặt vấn đề "ai có thể gia nhập và năng lực của bạn là gì". Song khi xác định được định hướng chính sách, nhóm sẽ không loại trừ khả năng kết nạp các quốc gia khác, ông nói.

"Bộ Tứ không có nghĩa là tổ chức độc quyền... hay đơn lẻ", ông nói. "Trong tương lai, có lẽ nhóm sẽ mở rộng".

Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định rằng các hành động gây hấn của Trung Quốc đã khiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đứng trước một thách thức và lựa chọn. Đó là "lựa chọn giữa một khu vực được quản lý bởi các quy tắc, luật pháp, trật tự và sự minh bạch, hay một khu vực bị chi phối bởi tầm nhìn của Trung Quốc".

"Rõ ràng là chúng tôi và đối tác, Nhật Bản, Australia và các nước khác, đã đưa ra lựa chọn của mình. Chúng tôi đã nói rõ những gì dự định và muốn làm để đối mặt với thách thức do Trung Quốc đặt ra", ông Knapper nói.

Trong video được phát trước hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói điều quan trọng là phải tăng cường khả năng răn đe của liên minh Nhật - Mỹ để đảm bảo an ninh của Nhật Bản và khu vực xung quanh.

Trong một video khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho rằng Trung Quốc đang nâng cao sức mạnh quân sự cả về chất lượng lẫn số lượng một cách nhanh chóng và không minh bạch.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng chỉ ra rằng cán cân quyền lực đang chuyển dịch mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

bo tu co the ket nap thanh vien moi anh 2

Lính hải quân Mỹ vẫy tay chào tàu hộ vệ Ấn Độ tại Ấn Độ Dương ngày 21/7. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Theo ông Katsutoshi Kawano, cựu tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, "điều quan trọng là Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ phải đi đầu trong việc bảo vệ tự do trên biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Ông Kawano nói vụ đụng độ ở biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ gần đây và việc Trung Quốc leo thang căng thẳng với Australia vì ứng phó của Bắc Kinh với virus corona, khiến các thành viên Bộ Tứ tăng cường hợp tác. Vẫn chưa rõ liệu các quốc gia châu Á khác có gia nhập nhóm hay không, theo cựu tham mưu trưởng.

Kenichiro Sasae, chủ tịch Viện Vấn đề Quốc tế Nhật Bản, nói các nước "không muốn bị Trung Quốc bắt nạt".

Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết không chỉ cần có năng lực phòng thủ tên lửa, năng lực hải quân và không quân mà còn phải phát triển năng lực về không gian và an ninh mạng để chống lại Trung Quốc.

Australia nhận lời mời tập trận 'Bộ tứ' giữa căng thẳng với Trung Quốc

Ấn Độ ngày 19/10 xác nhận Australia sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên cùng nước này, Mỹ và Nhật Bản vào tháng 11. Động thái củng cố hợp tác quốc phòng của "Bộ tứ".

Việt Nam bình luận về khả năng ‘Bộ tứ’ hợp tác với ASEAN

Sau khi phía Mỹ nói nhóm “Bộ tứ” nên tăng cường hợp tác với ASEAN, Việt Nam - nước chủ tịch ASEAN 2020 - cho biết luôn hoan nghênh các sáng kiến góp phần vào hòa bình khu vực.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm