Hiện tượng này càng khiến xã hội thêm chua xót khi mà người nông dân trong suốt mấy thập niên qua liên tục rơi vào tình trạng "được mùa rớt giá”. Nay nạn nhân là người nuôi bò sữa. Nhức nhối thay, sản phẩm của họ lại đang là mặt hàng thiết yếu hàng đầu mà Việt Nam còn đang phải mất hàng tỷ USD hàng năm để nhập khẩu mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trong khi ở nhiều vùng khó khăn của đất nước, với nhiều gia đình nghèo việc uống sữa bò hàng ngày còn đang là một nhu cầu xa xỉ, vậy mà nông dân lại phải đổ bỏ hàng tấn sữa bò tươi mỗi ngày thì quả là một nghịch lý đau xót. Lý giải cho hiện tượng này không ít quan chức địa phương cùng các doanh nghiệp chế biến sữa cho rằng, do nông dân tham lợi nhuận "nhắm mắt” đầu tư phát triển đàn bò vượt quá quy hoạch nên giờ họ phải "lãnh đủ” hậu quả, không thể trách ai được.
"Văn hóa đổ lỗi” cho người khác của giới chức có trách nhiệm hình như lại tái xuất trong thảm kịch đổ sữa đau lòng này của người nông dân. Trong khi, theo các chuyên gia, sữa là một trong số ít mặt hàng có mối liên hệ mật thiết giữa người sản xuất và đầu mối tiêu thụ. Phần lớn nông dân không thể và không dám sản xuất sữa nếu không có hợp đồng, hoặc sự khuyến khích của doanh nghiệp chế biến sữa, của địa phương và kể cả của ngân hàng. Khả năng tiêu thụ sữa ngoài hợp đồng thu mua là rất ít, gần như không đáng kể vì nguyên liệu này rất khó bảo quản, không tiêu thụ được kịp thời thì coi như phải đổ bỏ.
Nông dân Lâm Đồng và cả nông dân Hà Nội cũng đồng loạt đổ sữa bò tươi ra đường. |
Để có thể bán được lượng sữa tương thích với sự phát triển đàn bò, người nông dân phải ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thu mua và bị ràng buộc bởi rất nhiều điều kiện chất lượng, số lượng, quy trình, thời điểm giao nhận sữa… Trên cơ sở đó, nông dân mới mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò. Có khi phải mất hàng chục năm một hộ nông dân mới gây dựng được đàn bò với số lượng từ vài chục con trở lên. Nông dân cũng phải chắt chiu vốn liếng, vay ngân hàng với sự khuyến khích của các quan chức địa phương trong phong trào đẩy mạnh chủ trương nuôi con "mũi nhọn”, trồng cây "mũi nhọn” để có thành tích hơn là hỗ trợ vật chất cho nông dân.
Việc nhân giống và phát triển đàn bò của nông dân là hết sức gian nan, khổ cực và đương nhiên mất nhiều thời gian cũng như tiền của. Thế nhưng, để xóa sổ đàn bò của nông dân thì lại rất dễ dàng. Chỉ cần một chính sách sai lầm, một sự đối xử bất công trong thương trường là có thể dẫn dến việc nông dân phải đổ bỏ sữa ra đường. Nông dân lâm vào bi kịch thì đàn bò cũng đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Có thể nói, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển đàn bò sữa của Chính phủ từ những năm đầu thế kỷ này, cộng với giá cả sữa bột trên thị trường thế giới liên tục tăng cao trong mấy năm qua đã thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến sữa hỗ trợ, đầu tư cho nông dân phát triển đàn bò sữa. Khi giá sữa bột nhập khẩu tăng cao (năm 2013 giá sữa bột dao động ở mức trên dưới 5.000 USD/tấn), sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu về sữa thì để chủ động nguồn nguyên liệu, một số doanh nghiệp đã tích cực phát triển đàn bò bằng cách hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi, tăng giá thu mua sữa tươi lên đáng kể và thu mua hết sữa cho nông dân.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của doanh nghiệp cùng giá thu mua sữa tươi nguyên liệu ở mức chấp nhận được, nông dân thấy nuôi bò sữa cho thu nhập ổn định nên đã tích cực đầu tư tăng đàn, nâng chất đàn bò sữa. Nhờ vậy, đến nay, đàn bò ở nhiều nơi đã tăng khá mạnh, cùng đó sản lượng và chất lượng sữa cũng tăng cao. Nhất là ở các địa phương có lợi thế về khí hậu, thức ăn, đồng cỏ. Điều này có thể sẽ tiếp tục êm đẹp nếu như không có chuyện giá sữa bột trên thế giới giảm mạnh gần đây, và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.
Hiện giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu đã giảm tới mức từ 60 đến 70% so với năm 2013. Do vậy, các doanh nghiệp chế biến sữa hạn chế thu mua sữa tươi của nông dân và chuyển sang đẩy mạnh việc sản xuất sữa thành phẩm bằng nguyên liệu giá rẻ là chuyện không khó hiểu. Do đó, cần phải làm rõ về nguồn gốc, chất lượng sữa do các công ty sản xuất. Đâu là sữa tươi tiệt trùng (đương nhiên phải sử dụng nguyên liệu tại chỗ, trong nước), đâu là sữa nước hoàn nguyên, với nguyên liệu là sữa bột nhập khẩu. Bởi nếu nhập nhèm hai loại này, sẽ là sự nhập nhèm về giá.
Việc doanh nghiệp thu mua sữa tươi của người nông dân chỉ là hình thức, còn kiếm lợi nhuận lại là ở nguồn sữa nguyên liệu nhập vào giá rẻ. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp "nắm đằng chuôi” trong cuộc chơi với nông dân. Các cơ quan chức năng như quản lý thị trường phải vào cuộc, hậu kiểm tốt để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và người nông dân.
Một điều đáng nói nữa là, trong khi giá nguyên liệu đầu vào đã giảm tới hơn một nửa, nông dân phải đổ sữa tươi ra đường, mà giá bán ra các sản phẩm sữa trên thị trường vẫn như cũ. Vậy thì tại sao nhà nước không kịp thời có chính sách bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người chăn nuôi bò sữa, bảo hộ nguồn sữa sản xuất trong nước đang phát triển.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cam kết thuế nhập khẩu cuối cùng đối với các sản phẩm sữa khi tham gia WTO là 10%-25%, tùy loại. Thực tế, theo Thông tư 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013, các mức thuế áp dụng đối với sữa và sản phẩm từ sữa thấp hơn cam kết theo WTO rất nhiều, nên về nguyên tắc, nếu muốn bảo hộ trong nước thì vẫn có thể tăng thuế lên kịch trần. Đây là biện pháp tự vệ được sử dụng để bảo vệ sản xuất nội địa trước sự gia tăng đột biến của bất kỳ sản phẩm nhập khẩu nào gây ra hoặc đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành đó.