Nhóm tài xế công nghệ của anh Trọng Đạt (42 tuổi, Bình Dương) những ngày gần đây liên tục tiếp nhận nhiều đồng nghiệp mới. Anh cho biết đa số là công nhân vừa mất việc, hoặc còn công việc nhưng bị giảm lương, giảm giờ làm, không được tăng ca.
Thực tế, thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán các năm thường là giai đoạn tuyển dụng rầm rộ của các nhà máy sản xuất. Nhưng riêng năm nay, nhiều đơn vị không những không có kế hoạch tuyển mới, mà còn tiếp tục làn sóng sa thải, cắt giảm giờ làm hồi cuối năm 2022.
Mỗi công ty có hàng nghìn người mất việc
Chia sẻ với Zing, chị Vũ Hà (38 tuổi, nhân viên văn phòng) cho hay vừa nhận thông báo tạm hoãn hợp đồng lao động vào các ngày thứ 7 của tháng 3. Lý do là đơn hàng thời gian tới tiếp tục sụt giảm.
Chị cho biết từ tháng 11/2022, tập đoàn mẹ từ Đài Loan thiếu đơn hàng trầm trọng nên bắt đầu có chính sách không tái ký với những người hết hạn hợp đồng, chị là một trong số đó. May mắn vị trí của chị khó bỏ trống nên quản lý đã làm đơn xin cho chị tiếp tục công việc, tuy nhiên từ đó chị không được đi làm các ngày thứ 6, 7 như bình thường trước đây.
“Đến tuần thứ 2 đi làm lại sau Tết, công ty báo đã kiếm được thêm đơn hàng nên hủy chính sách tạm hoãn hợp đồng này. Những tưởng có thể yên tâm làm việc, ai ngờ giờ lại phải tiếp tục nghỉ. Dĩ nhiên, công ty có hỗ trợ 25-100% lương những ngày tạm hoãn hợp đồng này, nhưng tinh thần làm việc của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, tương lai không biết như thế nào”, chị giãi bày.
Người lao động trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, gỗ... đang trải qua giai đoạn bấp bênh về thu nhập. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo chị, trước Tết toàn nhà máy có tổng cộng hơn 5.200 nhân viên, tuy nhiên hiện còn chưa đầy 3.900 công nhân và khoảng 600 nhân viên văn phòng. Ngoài ra, 3 nhà máy còn lại ở Bình Dương chung tập đoàn mẹ cũng đã cắt giảm khoảng 1.000-1.500 lao động ở mỗi cơ sở.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) với hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy nhiều đơn vị đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. HUBA đánh giá đây là điều bất thường so với các năm trước.
Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II/2022 xuống còn 65% của quý này.
“Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới", hiệp hội đánh giá.
Thậm chí, doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất cả nước - Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) - hồi cuối tháng 2 cũng đã chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người do khó khăn về đơn hàng.
Trong báo cáo với Liên đoàn Lao động quận Bình Tân trước đó, PouYuen đã dự kiến trong năm nay sẽ không tiếp tục ký hợp đồng với khoảng 3.000 người có hợp đồng lao động 1-3 năm, đồng thời cắt giảm khoảng 3.000 lao động khác trong tháng 2. Từ tháng 11/2022, công ty cũng đã cho gần 20.000 công nhân sắp xếp nghỉ luân phiên.
Còn tại Công ty TNNN Samho (huyện Củ Chi, TP.HCM), hơn 1.400 công nhân đã bị cắt giảm từ cuối năm ngoái. Hiện tại, ngoài tạm hoãn hợp đồng lao động với khoảng 500 người, công ty này cũng bố trí nghỉ luân phiên không hưởng lương với nhiều lao động khác.
Co kéo lao động chờ đơn hàng phục hồi
Thực tế, các nhà máy cũng đang rơi vào thế khó khi phải tìm cách duy trì một số lượng lao động vừa phải để có nguồn lực sản xuất nếu đơn hàng phục hồi.
Như nhà máy của chị Vũ Hà, để duy trì công việc cho khoảng 4.500 nhân sự còn lại, ban lãnh đạo buộc phải nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, thậm chí giá bán chỉ tương đương chi phí sản xuất. Còn trên thực tế, các đơn hàng gia công truyền thống đến nay vẫn chưa có dấu hiệu trở lại.
Bên cạnh đó, thời gian sản xuất mỗi đơn hàng cũng được kéo dài hơn nhiều so với trước đây nhằm đảm bảo có lượng công việc đều đặn cho công nhân.
Các nhà máy chấp nhận làm những đơn hàng nhỏ lẻ, lỗ vốn và giãn tiến độ sản xuất để duy trì công việc cho người lao động. Ảnh: Reuters. |
Nhận xét chung về thị trường, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết đa số doanh nghiệp ngành may mới có đơn hàng đến hết tháng 2, đơn hàng các tháng sau rất thấp tải. Mặt khác, đơn hàng có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn, với giá gia công giảm và cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, ông dự báo đơn hàng sẽ phục hồi vào quý II, mặc dù các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc.
Còn với ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho hay đơn hàng đang có dấu hiệu trở lại, nhưng đến quý III-IV/2023 cũng chỉ có thể tương đương 65-70% so với cùng kỳ các năm kinh doanh tốt trước đây.
Do đó, hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất cũng đang tìm nhiều cách để mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường ngách chưa được chú trọng nhiều trước đây như Trung Đông. Đồng thời, các đơn vị cũng chủ động giãn tiến độ sản xuất và giảm thời gian làm việc của người lao động, từ khoảng 9 tiếng còn 6 tiếng/ngày hoặc ít hơn.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, càng trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp lại càng cần sự thấu hiểu và đồng lòng của người lao động. Vì vậy, ở góc độ quản lý, ông cho rằng bên cạnh các nỗ lực tăng doanh thu, giảm chi phí, doanh nghiệp cũng cần chủ động tuyên truyền rõ ràng các mục tiêu, chiến lược phát triển cũng như giải pháp thực hiện để đội ngũ nhân sự cảm thông.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.