Tại thành phố Hamhung hẻo lánh, phía đông bắc Triều Tiên, một nhà máy hóa chất nằm khuất nẻo có thể đang bí mật sản xuất nhiên liệu cung cấp cho chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhà máy này đang sản xuất loại nhiên liệu đặc biệt được gọi là UDMH để sử dụng trong các vụ phóng tên lửa tầm xa khiến căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên gia tăng trong thời gian gần đây.
Truy tìm dấu vết công nghệ tên lửa
Điều này có thể giải quyết cuộc tranh cãi âm ỉ từ lâu giữa các nhà quan sát. Một số người lập luận rằng Triều Tiên không thể tự sản xuất nhiên liệu mà phải nhập khẩu từ Nga hoặc Trung Quốc.
Nếu vậy thì chỉ cần gây áp lực để những nước trên cắt giảm xuất khẩu, qua đó ngăn ngừa được chương trình tên lửa của Triều Tiên mà không cần dùng đến vũ lực.
Tuy nhiên, phát hiện mới của Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin tại Đại học Middlebury cho thấy Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ sản xuất UDHM, khép lại cánh cửa cuối cùng để kiềm chế chương trình vũ khí của nước này từ bên ngoài.
Khu vực bị nghi ngờ sản xuất nhiên liệu tên lửa UDMH ở Hamhung, Triều Tiên. Các bể chứa hình bầu dục ở dưới bức ảnh được cho là để chứa một lượng lớn nước thải trong quá trình sản xuất UDMH. Ảnh: Planet. |
Một số nhà phân tích tin rằng Triều Tiên từng phụ thuộc vào nước ngoài để thu thập và chế tạo nhiên liệu. Giờ đây, có vẻ như Bình Nhưỡng không còn cần tới sự trợ giúp đó.
Vipin Narang, giáo sư nghiên cứu các vấn đề hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, đánh giá đây là phát hiện “vô cùng quan trọng”.
“Nếu họ không phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài thì ngay cả những biện pháp trừng phạt và giám sát nghiêm ngặt nhất nhằm vào các quốc gia có thể giúp đỡ Triều Tiên cũng sẽ trở nên vô ích”, ông nói với New York Times.
Phát hiện của nhóm nghiên cứu dựa trên hình ảnh vệ tinh, phân tích kỹ thuật các phương pháp sản xuất UDMH, thông tin từ một quan chức Triều Tiên đã đào tẩu và các tài liệu kỹ thuật của Triều Tiên.
Jeffrey Lewis, người điều hành chương trình Đông Á tại trung tâm của Middlebury đã dành hàng tuần để truy lùng manh mối về hoạt động sản xuất UDMH ở Triều Tiên.
Ông cho biết không có dấu vết thực sự rõ ràng để xác minh vì UDMH có thể được điều chế bằng các hóa chất thông thường như chlorine và ammonia. Ấn Độ từng lặng lẽ phát triển chương trình tên lửa vào những năm 1970 bằng UDMH được sản xuất trong một nhà máy đường cũ.
Thành phố Hamhung nằm ở bờ biển phía đông Triều Tiên. Đồ họa: BBC. |
Bước đột phá xảy đến khi nhóm nghiên cứu tìm kiếm và dịch một loạt bài báo khoa học có tính học thuật cao liên quan đến nhiên liệu nói trên trong Tạp chí Hóa học và Kỹ thuật Hóa học của Triều Tiên.
Các bài báo được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2016 thảo luận về các chủ đề như quản lý nước thải độc hại, một vấn đề thường gặp trong sản xuất UDMH hay biện pháp cải thiện độ tinh khiết của nhiên liệu trong chương trình tên lửa tiên tiến.
“Những bài báo này không có vẻ gì là nói về một vấn đề mới xuất hiện. Dường như họ đã tìm cách giải quyết chúng trong một thời gian rồi”, Lewis nói. Ông cho biết một quốc gia chỉ gặp phải những vấn đề được mô tả trong các bài viết trên sau khi đã sản xuất một lượng lớn nhiên liệu.
Một Triều Tiên khác xa định kiến
Không giống các bài viết khác trong tạp chí, tác giả của 3 bài báo được liệt kê không có thông tin liên hệ hay tiểu sử. Điều này cho thấy công việc của họ nhạy cảm hơn bề ngoài.
Nhóm của Lewis đã đối chiếu tên các tác giả trên với tất cả nghiên cứu hóa học của Triều Tiên mà họ có thể tìm thấy. Họ phát hiện một trong số các tác giả, Cha Seok Bong, đã xuất bản 3 bài báo về vấn đề đảm bảo an toàn tại Nhà máy Vinalon 8/2 đặt tại Hamhung.
Nhà máy này sản xuất vinalon, loại vật liệu tổng hợp rẻ tiền thường được sử dụng trong hàng may mặc Triều Tiên. Một chuyên gia về nhiên liệu tên lửa được đào tạo chuyên sâu lại làm việc ở đây là chuyện bất thường. Lewis nhận định đây là địa điểm khả nghi nhất để sản xuất UDMH.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il thăm Nhà máy Vinalon 8/2 ở Hamhung trong bức ảnh do hãng thông tấn Triều Tiên phát hành năm 2010. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Nằm ở bờ biển phía đông Triều Tiên, thành phố Hamhung xa xôi là địa điểm dễ bị không kích và không có vẻ gì là nơi đặt các căn cứ quân sự nhạy cảm.
Tuy nhiên, trong cuốn sách năm 2001, Ko Chong-song, quan chức Triều Tiên đào tẩu vào đầu những năm 1990, chỉ ra rằng đây là trung tâm của hoạt động hóa học bí mật phục vụ quân sự.
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng công bố báo cáo về hoạt động sản xuất hóa học ở Hamhung năm 1969 và có lẽ cũng nhiều lần đặt ra nghi ngờ này.
Khi xem xét nhà máy dệt ở Hamhung, nhóm của Lewis nhận thấy 2 bể chứa nước thải lớn bất thường, phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất UDHM và bài báo mô tả vấn đề xử lý nước thải. Ngoài ra, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từng thực hiện một loạt chuyến thăm đến nhà máy này càng chứng tỏ tầm quan trọng của nó.
“Mọi thứ đã rõ như ban ngày”, Lewis nói.
Mặc dù phát hiện này là thông tin quan trọng về tiến bộ công nghệ của Triều Tiên nhưng có lẽ đã quá muộn để Mỹ hành động. Triều Tiên có thể đã dự trữ đủ nhiên liệu cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Không những vậy, nhiên liệu còn có thể được lưu trữ trong nhiều năm.
UDMH của Liên Xô để được lâu đến nỗi Mỹ đã phải hỗ trợ rút nhiên liệu khỏi các tên lửa liên lục địa (ICBM) sau khi quốc gia này sụp đổ.
Lewis cho rằng việc Triều Tiên có thể phát triển rộng rãi loại nhiên liệu này mà không bị các nước chú ý có lẽ là do các nhà phân tích nước ngoài vẫn xem thường năng lực của Triều Tiên. Họ luôn coi đây là quốc gia kém phát triển và lạc hậu.
“Nếu xem ảnh vệ tinh và đọc các ấn phẩm về kỹ thuật của họ, anh sẽ thấy đây là một đất nước hoàn toàn khác”, Lewis nói.