Nửa đêm ngày 23/9, các máy bay ném bom tầm xa B-1B của Mỹ, được hộ tống bởi những chiến đấu cơ F-15, bay dọc bờ biển phía đông Triều Tiên. Hoạt động này được xem là một trong những phi vụ mạo hiểm nhất của quân đội Mỹ ở bán đảo Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua.
Hai ngày sau, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tuyên bố “Bình Nhưỡng có quyền bắn hạ máy bay ném bom Mỹ ngay cả khi chúng hoạt động ngoài không phận của chúng tôi”. Đây là một trong những tuyên bố leo thang mới nhất giữa Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Radar không phát hiện được máy bay Mỹ?
Tuy nhiên, khi phi cơ Mỹ thực sự đến gần bờ biển Triều Tiên, nước này không có động thái nào.
Các quan chức tình báo Hàn Quốc ngày 26/9 cho rằng hệ thống radar phòng không của Triều Tiên có thể không phát hiện ra các máy bay Mỹ. Hoặc đơn giản hơn là Bình Nhưỡng muốn tránh một cuộc đối đầu thật sự.
Máy bay ném bom B-1B tiếp nhiên liệu khi hoạt động trên biển Hoa Đông. Ảnh: USAF. |
Dù là khả năng nào đúng, nó cũng đi ngược lại với hình ảnh mà Triều Tiên đang cố gắng xây dựng: nhà nước hạt nhân có thể đối phó với Mỹ. Đằng sau những lời lẽ hùng hồn của ban lãnh đạo Triều Tiên, các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng thực sự muốn tránh một trận chiến mà họ không thể chiến thắng và luôn cẩn trọng để có đường lùi dù vẫn lớn tiếng đe doạ.
“Tôi nghe thấy sự sợ hãi trong tuyên bố của họ. Họ không thể thắng người Mỹ, do các máy bay Triều Tiên không thể bay xa vì thiếu nhiên liệu nên nó có thể rơi”, Shin Won Sik, cựu tướng 3 sao trong quân đội Hàn Quốc, nói.
Người dân Triều Tiên trong một buổi tuần hành phản đối cấm vận của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Dù không ngừng “đấu khẩu" với Tổng thống Trump, giới chức Triều Tiên đã cảnh báo những đơn vị đóng gần biên giới với Hàn Quốc phải cẩn thận tránh ra quyết định vội vã, đặc biệt tuân thủ cấp bậc ra quyết định trước khi tiến tới hành động. “Họ rất đề phòng để tránh một sự khiêu khích hoặc đụng độ ngoài ý muốn”, Lee Cheol Woo, chủ tịch Uỷ ban Tình báo của quốc hội Hàn Quốc, nói.
Khoảng cách thực lực
Nội dung những lời đe doạ mạnh mẽ bất ngờ cùng bản tính khó đoán của hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Donald Trump khiến nhiều người lo ngại họ có thể mất bình tĩnh trong phút chốc, từ đó gây ra xung đột bất chấp sự ngăn cản của cố vấn.
Tuy nhiên, những nhà quan sát tình hình Triều Tiên lâu năm cho rằng không nên phản ứng thái quá trước các tuyên bố khiêu khích của Triều Tiên. “Họ có thể có ý chí, nhưng không có phương tiện để đấu lại người Mỹ”, Shin In Kyun, chuyên gia quân sự của tổ chức Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định.
Việc Triều Tiên đe doạ bắn hạ máy bay ném bom Mỹ gây lo ngại vì đã từng có tiền lệ. Năm 1969, Triều Tiên bắn rơi một máy bay tình báo Mỹ khiến toàn bộ 31 người thiệt mạng. Năm 1994, Triều Tiên bắn hạ một trực thăng Mỹ khác khi nó "vô tình" bay vào không phận nước này.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng việc Triều Tiên đòi bắn máy bay chiến lược của Mỹ như B-1B, F-15 hay F-35 là điều không tưởng, đặc biệt khi chúng bay trong không phận quốc tế gần với bờ biển Triều Tiên.
Các máy bay MiG cũ của Triều Tiên thường ít bay do lo ngại bị rơi. Ảnh: Wikimedia. |
Tầm bắn của tên lửa đất đối không SA-5 của Triều Tiên chỉ là 250 km. Trong khi đó, các tiêm kích Mỹ có bộ phận gây nhiễu sóng radar để bảo vệ. Và những chiến đấu cơ MiG cũ kỹ của Triều Tiên cũng không phải là đối thủ với máy bay Mỹ.
Trong khi đó, đối với Tổng thống Trump, việc ông mạnh mẽ đe doạ trả đũa, “huỷ diệt” Triều Tiên, được xem là một chiêu nhằm thu hút những cử tri trung thành. Ông cần phải chứng tỏ với người dân Mỹ rằng ông không e ngại trước các mối đe doạ nước ngoài.
Triều Tiên 'doạ' có tính toán
Theo các nhà quan sát, những lời đe doạ của Triều Tiên đã được công bố sau khi cân nhắc cẩn thận từng câu chữ.
Hồi tháng 8, khi Bình Nhưỡng đe doạ biến vùng lãnh thổ Guam của Mỹ thành biển lửa, thông báo chính thức của KCNA cho biết đây chỉ là “một kế hoạch đang được xem xét kỹ lưỡng”.
Khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un gọi Tổng thống Trump là “lão già loạn trí”, ông không đề cập đến một hành động đáp trả cụ thể nào. Thay vào đó, Kim Jong Un chỉ nói “sẽ cân nhắc những biện pháp trả đũa mạnh mẽ nhất trong lịch sử”.
Ngoại trưởng Ri Yong Ho gặp báo chí khi cáo buộc Mỹ tuyên chiến với Triều Tiên. Ảnh: AFP. |
Ngoại trưởng Ri Yong Ho vào đầu tuần này cũng không tuyên bố chắc chắn đáp trả bằng cách bắn hạ máy bay ném bom Mỹ, mà nguyên văn là “chúng tôi có quyền” làm điều đó.
“Triều Tiên rất biết cách lựa chọn từ ngữ khi đe doạ. Họ tính toán rất kỹ chứ không phải là bất cẩn”, Cheon Seong Wun, cựu thư ký về chiến lược an ninh của tổng thống Hàn Quốc, nói.
Ông Lee Sun Yooon, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Tufts (Mỹ), nói Triều Tiên đạt được hai mục đích khi liên tục đe doạ Mỹ: một là sẽ khiến Mỹ phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định dùng vũ lực; hai là Bình Nhưỡng cũng xây dựng được vị thế đối thủ có khả năng chống lại “sự bắt nạt” từ Mỹ.
Bình Nhưỡng cũng hy vọng Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ lên tiếng kêu gọi các bên bình tĩnh, kiềm chế. Trong khi đó, sự hung hăng của Tổng thống Trump trở thành cái cớ củng cố lý do cho một lần thử hạt nhân hoặc tên lửa tiếp theo.
“Triều Tiên phải tỏ ra cứng rắn, vì nếu bây giờ mà họ lùi bước trước áp lực của Mỹ thì sẽ không bao giờ có thể đạt được vị thế như hiện nay lần nữa”, Kim Yong Hyun, giáo sư tại Đại học Dongguk, nói.