- Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp phép cho một nhà mạng thử nghiệm 4G tại Vũng Tàu. Vậy ngoài ưu điểm về tốc độ, người dùng còn được gì?
- Hạ tầng băng rộng là hạ tầng cho tương lai, thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức. Đặc biệt, nó phù hợp với ứng dụng, thay đổi mô hình và chiến lược tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở này, nó chắc chắn sẽ có tiềm năng phát triển về lâu về dài.
Chúng ta đã có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về ứng dụng công nghệ để thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin. Phát triển công nghệ thông tin là rất mới và quan trọng để thực hiện đột phá chiến lược. Chắc chắn khi mình triển khai thành công thì băng rộng mới này sẽ là nền tảng cho phương thức phát triển mới, đẩy cao năng suất, chất lượng lao động, và nhiều thứ sẽ cao lên…
Các nước cũng đang chú trọng hạ tầng băng rộng, tạo nên giá trị mới. Vì vậy, chắc chắn mình không thể phát triển kinh tế dựa trên chỉ công nghiệp, nông nghiệp hay dệt may mãi được. Đây chỉ là bước quá độ thôi. Sản xuất những loại hàng hóa mang giá trị công nghệ cao mới đỡ vất vả cho người nông dân, họ mới không phải một nắng hai sương.
- Theo ông, thời điểm triển khai 4G hiện tại là sớm hay muộn?
- Thời điểm triển khai 4G phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ sẵn sàng của xã hội, người dân. Các nước phát triển, làm chủ kinh tế trên thế giới bao giờ cũng đi trước chúng ta một bước.
Trong khi đó, các nước quanh khu vực, nền kinh tế ngang bằng cũng chỉ mới bắt đầu. Hiện tại, chỉ những nước công nghệ tiên tiến, thực sự phát triển thì chuyện thực hiện tới 7G, 8G là chuyện bình thường.
Song, chúng ta đi sau cũng có lợi. Đó là mình học được những bài học qua thất bại, thành công của họ. Vì lẽ đó, chuyện nước ta triển khai 4G sớm hay muộn chỉ là tương đối.
- Vậy khi nào người dùng Việt có 4G thương mại, thưa Thứ trưởng?
- Bản thân các nhà mạng hiện giờ mới được Nhà nước cho phép bắt đầu thử nghiệm 4G. Trong quá trình đó, Bộ sẽ thăm dò mức độ sẵn sàng của người dân, của xã hội về công nghệ mới này sau đó mới quyết định triển khai.
Việc triển khai 4G thương mại phải dựa trên cơ sở là kết quả thử nghiệm 4G. Sau khi xem xét tiềm năng thương mại, hiệu quả kinh tế, mức độ phản ứng của người dùng, bài toán đầu tư và hiệu quả kinh tế, mức độ đáp ứng của nhà mạng…. Nhà nước sẽ có chỉ đạo phù hợp để triển khai 4G.
Nhưng có thể nói, thời điểm này tương đối phù hợp để thực hiện triển khai 4G.
Thứ trưởng Phan Tâm nhận hoa từ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trong lễ bổ nhiệm. Ảnh: Báo Giao Thông. |
- Có ý kiến cho rằng, 3G vẫn chưa khai thác hết nói gì tới 4G. Ông đánh giá như thế nào?
- Thực tế, chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của 3G. Người dùng vẫn chưa sử dụng hết toàn bộ tính năng, tiện ích của nó. Song sẽ phải có giai đoạn kế tiếp nhau, chứ không thể chậm quá hay vội vàng quá được. Chúng ta cần có sự điều tiết 3G, 4G một cách hợp lý.
- Bộ có yêu cầu gì ở các nhà mạng khi triển khai 4G sắp tới?
- Trong quá trình thử nghiệm 4G, Bộ đã yêu cầu các nhà mạng báo cáo lại tiến độ về chất lượng, giá cước, sau đó xem xét người tiêu dùng đánh giá như thế nào. Qua đó, Bộ mới có thể đưa ra những chính sách phù hợp.
Nếu Bộ yêu cầu chất lượng rất cao, nhà mạng phải đầu tư rất nhiều tiền, kéo theo giá cước cao, người dân phải trả cao hơn. Do đó, chúng ta phải cân đối cả về chất lượng, giá cả… chứ không thể tính toán trên lý thuyết.
Qua thực tiễn, cạnh tranh, dần dần người tiêu dùng, doanh nghiệp, Nhà nước sẽ tìm ra điểm hợp lý nhất. Người tiêu dùng bao giờ cũng muốn nhanh, tốt, rẻ. Còn doanh nghiệp phải giải bài toán kinh doanh hợp lý hóa để đầu tư tiếp. Đấy là mâu thuẫn muôn thuở mà người tiêu dùng nên hiểu.
- Xin cảm ơn ông!