Tiến sĩ Crystal Owen và các đồng nghiệp đã công bố thành quả nghiên cứu của mình trong tạp chí khoa học Physics of Fluids. Ảnh: Wall Street Journal. |
“Xoay bánh, nếm kem, chấm sữa” là một trong những câu quảng cáo quen thuộc với nhiều người tiêu dùng và trở thành thói quen tự nhiên của họ khi ăn bánh Oreo.
Tuy nhiên, một câu hỏi đã xuất hiện cả thế kỷ qua mà ngay cả cha đẻ của thông điệp quảng cáo này cũng không giải quyết được, đó chính là làm thế nào để xoay bánh mà vẫn có thể chia đều lớp kem ở giữa thay vì chỉ dính ở một mặt bánh như bình thường.
Michelle Deignan, Phó Chủ tịch Oreo tại Mỹ, từng chia sẻ không hề có bí quyết nào cho cách xoay bánh. Do đó, một nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã nghiên cứu về câu hỏi chưa có lời giải này.
“Thật khó chịu khi mỗi lần xoay bánh, phần kem từ nửa bên này lại dính vào nửa bên còn lại”, Crystal Owens, Tiến sĩ kỹ sư máy móc tại MIT, chia sẻ.
Sáng chế máy “Oreometer” chuyên dụng
Do đó, bà đã tổ chức một nhóm nghiên cứu để tìm ra cách chia đều lớp kem ở giữa bánh Oreo khi xoay bánh. Tại MIT, Owen đang nghiên cứu một vật liệu giống với mực trong công nghệ in 3D.
Bà dùng máy đo lưu biến, chuyên đo lường độ biến dạng và tính chất chảy của vật liệu lỏng, để cắt, vặn, làm xoắn vật liệu, đồng thời nghiên cứu về cấu trúc bên trong. Do đó, Owen cho rằng các thức nghiên cứu và công nghệ này có thể được sử dụng để tìm ra cách xoay bánh Oreo hoàn hảo.
Rất khó để tách bánh Oreo mà chia đều phần kem ở hai mặt bánh. Ảnh: Baking How. |
Trong nghiên cứu gần đây, nhóm nhà khoa học đã dán bánh Oreo nhiều vị khác nhau vào máy đo lưu biến, vặn xoắn miếng bánh ở nhiều tốc độ khác nhau. Bà và nhóm nghiên cứu đã tạo ra một máy đo lưu biến dành riêng cho Oreo có tên “Oreometer”.
Bộ máy này chỉ dùng một dây cao su và đồng xu để tách phần bánh. Tiến sĩ Owens cho biết thông thường các vật liệu có cấu trúc tương tự Oreo như kem đánh răng, sữa chua, kem đều sẽ bị tách giữa nếu bị tác dụng lực như trên.
Sau khi thử nghiệm với hơn 1.000 miếng bánh Oreo, 80% trong số đó phần nhân kem bên trong bánh vẫn chỉ dính ở một mặt bánh trong dù máy tách bánh ở bất kỳ tốc độ nào. Ngay cả ở tốc độ chậm nhất, các nhà khoa học đã mất 5 phút chỉ để chia nửa miếng bánh nhưng vẫn không thể tách đều phần kem. Còn ở tốc độ tối đa, nhanh gấp 100 lần so với tốc độ tách bánh tối đa của người bình thường, phần kem đã bay khỏi hai nửa vỏ bánh quy.
“Chúng tôi còn thử chia bánh bằng tay như vặn, bóc, trượt, nhấn vào bánh và hàng loạt các kiểu tác dụng lực khác nhưng không có cách nào làm hai nửa bánh tách đều nhau”, Owen chia sẻ. Điều này cho thấy phần kem có cấu trúc khá cứng và dính nên khó bị tách khỏi phần bánh.
Owen và các đồng nghiệp đã công bố thành quả nghiên cứu của mình trong tạp chí khoa học Physics of Fluids số tháng 4. Trong bài báo, họ đã đề xuất cần thay đổi ngay từ khâu sản xuất để giải quyết vấn đề này.
Trước hết, nhà sản xuất Mondelēz International có thể lật ngược phần mặt bánh sần sùi hơn ra bên ngoài và phần bánh có chữ Oreo sẽ quay vào bên trong để dễ tách bánh, Max Fan, nghiên cứu sinh tại MIT, cho biết.
Một cách khác là dùng hai lớp kem để mỗi mặt bánh dính với một lớp kem khác nhau. Owen và các cộng sự cho rằng làm như vậy sẽ giúp phần kem dính chặt vào bánh quy hơn.
Nghiên cứu bánh Oreo chỉ nhằm mục đích giải trí
Thomas Schlathölter, nhà vật lý học tại Đại học Groningen, cũng tổ chức một nhóm sinh viên làm lại thí nghiệm của MIT với Oreo bán ở Hà Lan. Họ đã thử xoay bánh bằng tay và kết quả thu được khá bất ngờ khi nhiều sinh viên đã có thể tách bánh khá đều nhau. “Bánh Oreo bán ở thị trường châu Âu có vẻ khác hơn”, Thomas Schlathölter nhận định.
Theo nhà vật lý học, điểm khác biệt nằm ở cấu trúc của lớp kem. Tiến sĩ Owen cũng đồng ý với quan điểm này và cho rằng khâu sản xuất bánh ở châu Âu khác ở những khu vực khác trên thế giới.
Theo Wall Street Journal, bánh Oreo được bán ở hơn 100 quốc gia khác nhau và có không ít người hướng dẫn người khác ăn sao cho đúng cách.
Trên YouTube, xuất hiện rất nhiều video hướng dẫn ăn Oreo đúng cách. Ảnh: Steve's Real World. |
Trên YouTube, một video hơn 13 triệu lượt xem có tựa đề “Bạn đã ăn Oreo SAI CÁCH”. Trong video, một người phụ nữ dùng nĩa để lấy bánh và nhúng nó vào sữa. Nhiều video khác cũng có nội dung tương tự về Oreo, dùng ống hút bơm sữa để làm phần kem bên trong ngấm sữa.
Tiến sĩ Crystal Owens cho biết bà sẽ áp dụng mô hình nghiên cứu với những đồ ăn vặt có cấu trúc tương tự như bánh macaron, bánh kẹp kem, bánh quy bơ đậu phộng.
Bài nghiên cứu về bánh Oreo thực chất rất thú vị và giúp các hoạt động học thuật khô cứng của bà được công chúng biết đến nhiều hơn. “Đề tài nghiên cứu đến với tôi từ một thắc mắc cá nhân, nhưng tôi đoán mọi người đều sẽ hưởng ứng”, bà Owens chia sẻ.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.