Trong bài viết trên tạp chí Nature, các nhà thiên văn học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết đã phát hiện tín hiệu vô tuyến bất thường từ một thiên hà xa xôi. Đây là vụ nổ sóng vô tuyến nhanh (Fast Radio Burst - FRB), xảy ra khi sóng vô tuyến chớp rất nhanh trong không gian với cường độ cực cao.
Tín hiệu được thu nhận bởi kính viễn vọng CHIME (Canadian Hydrogen Intensity Mapping Experiment) đặt tại British Columbia (Canada), dùng để thu sóng vô tuyến phát ra từ các nguyên tử hydro trung tính, cũng như phát hiện FRB. Đại diện MIT cho biết tính đến nay, CHIME đã phát hiện hàng trăm FRB.
Tín hiệu FRB kỳ lạ được tìm thấy bởi kính viễn vọng CHIME đặt tại Canada. Ảnh: CHIME. |
Giới khoa học đã theo dõi một số FRB nhưng vẫn chưa có lời giải chi tiết về nguyên nhân tạo ra năng lượng của chúng. Các FRB riêng lẻ thường phát ra một đợt sóng và không lặp lại. Tuy nhiên, tín hiệu lần này kéo dài đến 3 giây, kèm theo một loạt FRB lặp lại sau mỗi 0,2 giây.
Daniele Michilli, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại MIT, đồng tác giả bài viết cho biết đã nhận tín hiệu FRB kỳ lạ vào ngày 21/12/2019 khi quét dữ liệu thu được từ CHIME.
"Tín hiệu khá bất thường. Nó không chỉ rất dài, khoảng 3 giây mà còn chứa các điểm cực đại tuần hoàn một cách chính xác", Michilli mô tả các FRB diễn ra nhanh và đều đặn như nhịp tim.
Được đặt mã FRB 20191221A, MIT cho biết đây là FRB lâu nhất, lặp lại đồng đều nhất từng được phát hiện. Trong khi chưa thể xác định cụ thể nguồn gốc năng lượng của FRB, các nhà thiên văn học cho rằng tín hiệu có thể đến từ xung vô tuyến (radio pulsar) hoặc sao từ (magnetar).
Đây là 2 dạng của sao neutron, được hình thành sau vụ nổ siêu tân tinh (supernova) - quá trình kết thúc vòng đời của một ngôi sao già. FRB lần này có nguồn gốc từ một thiên hà khác, cách Trái Đất vài tỷ năm ánh sáng.
"Không nhiều thứ trong vũ trụ phát ra tín hiệu tuần hoàn đều đặn. Những ví dụ mà chúng ta từng biết trong thiên hà gồm các xung vô tuyến và sao từ, chúng xoay vòng rồi tạo ra chùm tia phát xạ tương tự ánh sáng từ hải đăng. Chúng tôi nghĩ rằng tín hiệu mới này có thể bắt nguồn bởi sao từ hoặc xung của các tiểu hành tinh", Michilli cho biết.
Nguồn gốc thực sự của các năng lượng tạo ra FRB vẫn chưa được giải đáp. Ảnh minh họa: Mirror. |
Các nhà thiên văn học hy vọng có thể quan sát nhiều tín hiệu hơn từ FRB 20191221A, giúp thu thập thông tin mới về nguồn gốc của FRB và tăng cường hiểu biết về sao neutron.
"Phát hiện này đặt câu hỏi về thứ có thể gây tín hiệu cực mạnh mà chúng ta chưa từng thấy trước đây, cũng như cách tận dụng tín hiệu để nghiên cứu thêm về vũ trụ. Những kính thiên văn trong tương lai hứa hẹn phát hiện hàng nghìn FRB mỗi tháng, và chúng ta có thể tìm thêm nhiều tín hiệu tuần hoàn khác", Michilli chia sẻ.