Các nhà phân tích bảo hiểm nhận định rằng chủ sở hữu nhà hàng nổi Jumbo, biểu tượng của Hong Kong, có thể yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại nếu con tàu được mua bảo hiểm.
Nhà hàng này đã bị lật ở Biển Đông vào cuối tuần qua, để lại nhiều tiếc nuối cho các thế hệ người Hong Kong, theo South China Morning Post.
Các chuyên gia cũng cho biết họ tin rằng chủ sở hữu sẽ để con tàu nằm lại lòng biển vì chi phí trục vớt sẽ vượt quá 1,27 triệu USD, cao hơn giá trị thị trường của con tàu.
Nhiều câu hỏi về con tàu vẫn chưa được trả lời sau khi nó khởi hành vào tuần trước để đến một ngôi nhà mới. Vụ chìm tàu cũng làm dấy lên mối lo ngại của người Hong Kong. Nhiều người cho rằng lỗi con người là một yếu tố gây ra vụ việc đáng tiếc.
Nhà hàng nổi Jumbo được lai dắt trên biển. Ảnh: Reuters. |
Nằm lại lòng biển
Chủ sở hữu nhà hàng là Aberdeen Restaurant Enterprises, công ty con thuộc Melco International Development chuyên đầu tư sòng bài và khách sạn. Công ty không đưa ra bất kỳ thông tin nào về tổn thất tài chính hoặc liệu hoạt động cứu hộ có tiếp tục hay không.
"Nước tràn vào khiến tàu bắt đầu nghiêng. Bất chấp những nỗ lực của công ty tàu kéo chịu trách nhiệm chuyến đi để giải cứu con tàu, thật không may, nó đã bị lật", người phát ngôn của Aberdeen Restaurant Enterprises nói. Ông không tiết lộ điểm đến chính xác của nhà hàng.
Ngày 21/6, Cục Hàng hải Hong Kong tiết lộ điểm đến của con tàu là Campuchia. Chủ sở hữu được yêu cầu nộp báo cáo về vụ lật tàu. Cơ quan này cũng sẽ tiến hành một cuộc điều tra về vụ việc.
Nhà lập pháp thuộc Ủy ban Bầu cử Hong Kong Chan Pui-leung cho biết nếu chủ sở hữu đã mua bảo hiểm cho việc kéo tàu trong chuyến đi, họ có thể yêu cầu bồi thường cho toàn bộ tổn thất. Con tàu đã chìm ở vùng nước sâu và sẽ khó trục vớt.
“Vì nhà hàng Jumbo được kéo bằng tàu kéo, vì vậy chỉ có chiếc tàu kéo mới được yêu cầu phải có bảo hiểm trách nhiệm từ bên thứ ba. Bất kỳ bảo hiểm nào cho chính nhà hàng đều không bắt buộc”, Chan, người cũng là tổng giám đốc của Công ty Bảo hiểm Thái Bình Trung Quốc, cho biết.
Người dân chào tạm biệt nhà hàng Jumbo. Ảnh: SCMP. |
Bản thân nhà hàng Jumbo không thể tự di chuyển mà phải nhờ tàu lai dắt. Aberdeen đã yêu cầu công ty lai dắt cung cấp thêm thông tin về vụ việc. Công ty cho biết con tàu bị chìm 1 km dưới biển khiến việc trục vớt “rất khó khăn”.
Ông Chan cho biết khoản bồi thường sẽ tương đương giá trị thị trường của con tàu, ước tính hàng triệu USD, hoặc phí trục vớt ở mức 10 triệu HKD, tùy theo mức nào thấp hơn.
Stephen Li Yiu-kwong, giáo sư tại khoa hậu cần và nghiên cứu hàng hải thuộc Đại học Bách khoa Hong Kong, cho biết vẫn có thể trục vớt đống đổ nát. Tuy nhiên, chi phí sẽ vượt quá 10 triệu HKD.
Theo luật hàng hải quốc tế, chủ sở hữu Aberdeen cũng không có nghĩa vụ trục vớt con tàu trừ khi nó gây ra sự cản trở trên biển.
Khó bảo hiểm
Ông Chan nghi ngờ việc liệu chủ sở hữu có tìm được một công ty bảo hiểm hay không. Con tàu đã 46 tuổi và chuyến đi có quá nhiều rủi ro.
“Con tàu này khá cũ, có cấu trúc phức tạp với nhiều tầng sẽ dễ dàng bị gió lớn lật ngược. Chuyến đi dài sẽ có rất nhiều rủi ro. Tôi thực sự nghi ngờ liệu nó có được bảo hiểm hay không”, ông nói.
Ông cho rằng rất có khả năng chủ sở hữu sẽ từ bỏ việc cứu con tàu vì các chi phí liên quan. Aberdeen tốt hơn nên tìm kiếm bồi thường nếu con tàu đã được bảo hiểm.
Selina Lau Pui-ling, giám đốc điều hành của Liên đoàn các công ty bảo hiểm Hong Kong, cho biết ngay cả khi con tàu được bảo hiểm, các nhà khảo sát hàng hải sẽ điều tra vụ việc trước khi quyết định liệu có thể bồi thường bảo hiểm hay không.
"Cuộc điều tra sẽ xem xét liệu lỗi của con người có liên quan hay không. Nếu ai đó cố tình làm cho con tàu chìm, họ sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự", bà nói.
Nhà hàng Jumbo khai trương vào năm 1976. Ảnh: SCMP. |
Một số người dùng Internet nhận định rằng đây là cách giải quyết tốt nhất đối với chủ sở hữu vì họ có thể tiết kiệm hàng triệu USD chi phí sửa chữa và bảo trì mỗi năm. Trong khi đó, những người khác cho rằng đánh chìm con tàu dưới biển là cách tiết kiệm chi phí nhất. Việc tàu chìm có thể giúp công ty đòi tiền bảo hiểm.
Nhà lập pháp Chan Kin-por, đại diện cho ngành bảo hiểm, cho biết chủ sở hữu của Jumbo nhiều khả năng sẽ không thể bảo hiểm cho con tàu vì giá trị thị trường của nó rất khó xác định.
“Rất khó để đánh giá giá trị của nó vì con tàu đã mất giá trong những năm qua. Nhưng nó có thể rất quý giá về giá trị tình cảm. Ngay cả khi nó được bảo hiểm, phí bảo hiểm sẽ rất cao trong khi số tiền bảo hiểm sẽ không quá nhiều. Chủ sở hữu có thể sẽ thấy vô ích khi nghĩ đến phương án bảo hiểm”, ông nói.
Ông Chan Pui-leung cho biết sẽ không dễ dàng để chứng minh liệu lỗi của con người có liên quan hay không. Sự cố xảy ra trên biển khiến việc thu thập bằng chứng trở nên rất khó khăn.
Cục Hàng hải Hong Kong cho biết họ đã điều tàu để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và giám sát việc nhà hàng Jumbo rời khỏi Khu neo đậu tránh trú bão Aberdeen vào ngày 14/6. Lực lượng giám sát không thấy điều gì bất thường.
Nhà hàng Jumbo từng là một địa danh du lịch ở Hong Kong. Được mở vào năm 1976, nhà hàng đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của Hong Kong.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II và các ngôi sao điện ảnh như Tom Cruise và Châu Nhuận Phát từng ghé thăm Jumbo vào thời kỳ đỉnh cao của nhà hàng. Nơi đây cũng từng được dùng làm phim trường cho nhiều bộ phim bom tấn.