Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện chống lũ của người Hà Nội

Trong nhiều thập kỷ, để đối mặt với những cơn lũ lớn, thành phố Hà Nội luôn phải tìm ra những cách khác nhau để chống chọi và bảo vệ người dân cũng như công trình trọng yếu.

lu lut anh 1

Người dân sống tại bên bờ sông Hồng chuyển đồ lên cao khi lũ lên. Ảnh: Việt Linh, Thế Bằng.

Trong ký ức của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội là một vùng đất thường phải chống chọi với những cơn lũ lớn. Do “tính khí thất thường” của con sông Hồng vào mỗi mùa nước lớn, hai bên bờ thường xuyên bị ngập úng, hoa màu bị tàn phá nặng nề. Do đó, thành phố luôn có những tính toán và kế hoạch dự phòng cho những tình huống xấu xảy ra.

Trận lũ lịch sử năm 1971

Theo lời kể nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, khoảng 50 năm trước, việc dự báo khí tượng thủy văn còn chưa phát triển, người dân thường dựa vào các hiện tượng tự nhiên để dự đoán lũ. Ví dụ, nếu ễnh ương làm tổ ở trên các cây cao thì đó là dấu hiệu của một năm lũ lớn, còn nếu tổ nằm ở thấp thì năm đó lũ sẽ không quá nghiêm trọng.

Lũ lụt ở Hà Nội thường to và nguy hiểm, đặc biệt là khi sông Hồng và sông Đà cùng đổ về, mang theo một lượng nước khổng lồ từ thượng nguồn. Những trận lũ này đã gây nguy hiểm không chỉ cho cư dân ven sông mà còn đe dọa đến hạ tầng và cuộc sống của thành phố. Trong ký ức của ông, trận lũ lụt lớn nhất xảy ra vào năm 1971, khi nước sông dâng cao và người dân sống ở các vùng ngoài đê như Phúc Xá, Tân Ấp, và Bạch Đằng phải di dời ra những khu đất cao hơn. Một số gia đình dựng lều tạm trên các vỉa hè, trong khi nhiều cửa hàng và cửa nhà phải đóng cửa để tránh thiệt hại do nước dâng.

lu lut anh 2

Tại khu vực cầu Long Biên, nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về, chảy xiết vào ngày 10/9. Ảnh: Việt Linh, Việt Hà.

Tác giả Đi dọc Hà Nội kể rằng vào thời điểm đó, đê sông Hồng vẫn còn làm bằng đất, khiến nguy cơ vỡ đê rất cao. Đã có những lúc nước sông dâng lên tận mép cầu Long Biên, và người ta sử dụng một con tàu chở đá nặng trên cầu để tăng cường sức chịu đựng cho cây cầu, ngăn ngừa nguy cơ bị nước lũ làm suy yếu. Những trận lũ lớn như năm 1971 là minh chứng cho sự hung hãn của thiên nhiên, trong khi nhiều năm khác, mặc dù nước sông cũng dâng cao, nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Để đối mặt với tình hình thời tiết khắc nghiệt, thành phố Hà Nội qua nhiều năm luôn tìm tòi những cách thức để phòng chống ngập lụt. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhắc đến một giải pháp được thực hiện vào thời kỳ đó, khi người ta mở các cửa đập tại Phùng để tiêu thoát nước khi nước sông Hồng dâng quá cao.

Hệ thống thoát lũ này đã giúp giảm nguy cơ ngập lụt tại khu vực nội đô, mặc dù vẫn gây ngập úng cho một số vùng nông thôn. Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh rằng từ thập niên 1960, Hà Nội đã có những tính toán và xây dựng các hệ thống tiêu thoát lũ, nhằm bảo vệ khu vực trung tâm chính trị và kinh tế của thành phố.

Công trình bảo vệ cầu Long Biên khỏi dòng nước xiết

Trong khoảng thời gian gần đây, một số tranh cãi trên mạng cho rằng các khối công trình hình tam giác được đặt trước trụ cầu Long Biên là do người Pháp xây để giữ cho cầu Long Biên kiên cố hơn trước dòng nước xiết. Tuy nhiên, không mấy ai biết rằng, đó là một ý tưởng của người Việt Nam vào nhiều thập kỷ trước.

Trong những năm chiến tranh, đặc biệt là khi miền Bắc bị không kích dữ dội, cầu Long Biên trở thành mục tiêu quan trọng của các cuộc tấn công. Nhằm bảo vệ cây cầu trước sự hủy diệt của bom đạn và thiên tai, những cột trụ chống va xô hình tam giác đã được xây dựng trước các trụ cầu.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến lý giải rằng các cột trụ chống va xô không phải do người Pháp xây dựng trong giai đoạn ban đầu khi cầu Long Biên được khánh thành vào năm 1902, mà được dựng lên vào những năm 1965-1967 trong bối cảnh chiến tranh chống Mỹ. Lúc bấy giờ, các cuộc không kích của Mỹ đã làm hư hại nhiều nhịp cầu, gây nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng.

lu lut anh 3

Trụ chống va xô cho của cầu Long Biên. Ảnh: Tạp chí Xây Dựng.

Những cột trụ tam giác này, với kết cấu xi măng thô kệch, không chỉ giúp rẽ dòng chảy của sông Hồng mà còn có tác dụng giảm tác động của những chiếc thuyền, tàu lớn trôi dạt, tránh va đập vào các trụ cầu sắt.

Việc xây dựng các cột trụ này là một biện pháp thiết yếu để đảm bảo an toàn cho cây cầu trong bối cảnh chiến tranh và thiên tai. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng cho rằng, qua những bức ảnh lịch sử từ trước năm 1954, không hề có sự xuất hiện của các cột xi măng này, chứng tỏ chúng được xây dựng sau này, dưới sự chỉ đạo của chính quyền Việt Nam.

Ngoài ra, hình dáng tam giác của các cột trụ còn giúp giảm thiểu tác động trực tiếp từ dòng nước lũ và tàu thuyền, đảm bảo sự ổn định cho cầu Long Biên trong suốt quá trình vận hành.

Sự xuất hiện của những cột trụ hình tam giác không chỉ là một dấu ấn kỹ thuật mà còn phản ánh tinh thần kiên cường của người dân Việt Nam trong việc bảo vệ các công trình quan trọng trong thời kỳ kháng chiến. Những cột trụ này, tuy có vẻ ngoài thô ráp, xấu xí, nhưng lại mang trong mình một giá trị to lớn, góp phần bảo vệ cây cầu, nối liền dòng chảy của lịch sử và hiện tại.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Ma trận tin giả về bão lũ: Hãy tiếp nhận thông tin bằng sự cẩn trọng

"Tôi luôn tin rằng, sự thật và lòng tin giữa cộng đồng là sức mạnh lớn để chúng ta cùng bước qua những thử thách khắc nghiệt nhất của thiên nhiên", PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội - nhấn mạnh.

Hội Nhà văn Việt Nam quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ

Sau khi đăng tải lời kêu gọi quyên góp hỗ trợ đồng bào vùng lũ, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo hội viên và bạn đọc.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm