Trong cuộc trò chuyện cùng Báo Nhà báo và Công luận xung quanh việc vô số tin giả xuất hiện trong cơn bão số 3 cũng như lũ lụt hiện nay, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng những thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ không chỉ đơn thuần là những dòng chữ vô hại trên mạng, mà sau đó sẽ đem đến sự bất an, lo âu, thậm chí là sợ hãi của hàng nghìn người dân đang đối mặt với thiên tai.
Một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến mất mát lớn
Cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại to lớn cả người và tài sản. Cùng đó, mưa lũ sau bão cũng đã gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Có lẽ bởi thế, những thông tin về tình hình mưa lũ tại miền Bắc đang nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ nhất trên mạng xã hội.
Thế nhưng, bên cạnh những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng thì vẫn còn tình trạng một số kẻ lợi dụng tình hình thiên tai đã cố tình đưa ra các thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ…
Lực lượng chức năng huy động tìm kiếm những nạn nhan trong vụ sạt lở đất ở Cao Bằng. Ảnh: Cục CSGT. |
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội - những thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ không chỉ đơn thuần là những dòng chữ vô hại trên mạng, mà sau đó sẽ đem đến sự bất an, lo âu, thậm chí là sợ hãi của hàng nghìn người dân đang đối mặt với thiên tai.
Trong những thời khắc sinh tử khi bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc, sự thật là thứ quý giá nhất, bởi nó giúp mọi người giữ vững niềm tin, sự bình tĩnh để bảo vệ bản thân và gia đình. Nhưng khi những tin giả xuất hiện, chúng như những ngọn sóng ngầm kéo tất cả vào hoang mang và hoảng loạn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, hậu quả của những thông tin sai lệch này không chỉ dừng lại ở sự nhầm lẫn, mà có thể làm chệch hướng cả công tác cứu trợ và ứng phó khẩn cấp. Người dân có thể không kịp sơ tán, hoặc di chuyển đến những nơi không an toàn chỉ vì tin vào những nguồn thông tin không chính thống. Trong những khoảnh khắc mà sự sống mong manh, một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến mất mát lớn.
"Nhưng có lẽ đau lòng nhất là niềm tin của người dân vào chính quyền, vào những lực lượng nơi đầu sóng ngọn gió, có thể bị lung lay. Khi niềm tin bị phá vỡ, mọi nỗ lực phòng chống thiên tai cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Để bảo vệ cuộc sống, để giữ lại niềm hy vọng giữa bão giông, hơn bao giờ hết, sự chính xác và minh bạch của thông tin cần được đặt lên hàng đầu, bởi đó là ngọn hải đăng dẫn đường cho chúng ta vượt qua mọi gian khó", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Đánh giá về vấn đề này, TS Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định thông tin sai lệch thì bất kể trường hợp nào cũng đều không tốt. Nhưng trong trường hợp khủng hoảng như thời điểm hiện nay, khi cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và hoàn lưu của nó đang gây ra nhiều thiệt hại về người và của, thì hậu quả của những thông tin sai sự thật này lại càng có tác động tiêu cực hơn bao giờ hết.
Bởi vì trong bối cảnh khủng hoảng, tính khẩn cấp của sự việc khiến cho sự đề phòng, tính cảnh giác của người tiếp nhận thông tin bị giảm xuống. Từ đó, người ta dễ dàng tin vào các thông tin được lan truyền hơn. Chính vì sự dễ dàng tiếp nhận và tin tưởng này nên mức độ tổn thương do thông tin sai lệch mang lại lại càng nhiều hơn. Chưa kể, về mặt đạo đức, lợi dụng tình trạng nguy cấp để lừa đảo, thậm chí trục lợi là hành động đáng lên án mạnh mẽ.
Hãy cẩn trọng và có trách nhiệm
"Tôi nghĩ, trong những khoảnh khắc mà thiên tai ập đến, sự đoàn kết và bình tĩnh của cộng đồng là chìa khóa để vượt qua bão giông. Nhưng điều đó chỉ có thể duy trì nếu chúng ta cùng nhau lan tỏa những thông tin chính xác, bởi lẽ chỉ cần một tin đồn sai lệch, mọi nỗ lực cứu hộ và bảo vệ cuộc sống có thể bị đảo lộn", Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, điều quan trọng nhất mà mọi người cần nhớ là luôn hướng về những nguồn thông tin chính thống, những nguồn phát đi từ các cơ quan chức năng, báo chí uy tín. Trong những thời điểm khó khăn nhất, đó là nơi chúng ta tìm thấy sự thật, niềm tin, và những chỉ dẫn đúng đắn để bảo vệ chính mình và người thân.
Chúng ta cũng cần hiểu rằng việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội không chỉ đơn thuần là một hành động bấm nút thích hay chia sẻ. Đằng sau mỗi cú click có thể là một cuộc đời, một số phận, vì thế hãy cẩn trọng và có trách nhiệm. Đừng để những tin tức chưa được kiểm chứng gây ra nỗi sợ hãi không đáng có cho hàng nghìn người khác.
Và nếu bạn vô tình gặp phải những tin giả, đừng im lặng. Hãy hành động, báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng để ngăn chặn sự lan truyền của nó. Đó là một hành động nhỏ nhưng lại mang sức mạnh to lớn, bởi nó giúp bảo vệ cộng đồng khỏi những hiểm họa từ thông tin sai lệch.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, chính quyền, truyền thông và mọi tổ chức xã hội đều cần chung tay trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Mỗi chúng ta, từ những cá nhân bình thường đến những nhà lãnh đạo, đều có thể góp phần lan tỏa sự thật, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về sự quan trọng của thông tin chính xác trong những lúc hiểm nguy.
Cũng đừng quên rằng, bất kỳ ai cố ý lan truyền tin giả đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những hành động như vậy không chỉ gây hoang mang mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của nhiều người. Pháp luật sẽ là lá chắn bảo vệ sự thật, nhưng trước tiên, chính chúng ta cần là những người bảo vệ sự thật mạnh mẽ nhất.
Công nghệ có thể giúp kiểm soát thông tin, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của mỗi người. Hãy luôn là người tiêu dùng thông tin thông minh, đừng để mình bị lôi kéo bởi những lời đồn thổi vô căn cứ. Cùng nhau, với sự tỉnh táo và tinh thần trách nhiệm, chúng ta có thể vượt qua mọi bão tố một cách mạnh mẽ và an toàn nhất.
"Tôi luôn tin rằng, sự thật và lòng tin giữa cộng đồng là sức mạnh lớn để chúng ta cùng bước qua những thử thách khắc nghiệt nhất của thiên nhiên", PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.