Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay xóa đi thành quả của một tuần tăng điểm liên tục trước đó. Sau diễn biến lao dốc của giá dầu thế giới, nhà đầu tư đồng loạt chốt lời đẩy chứng khoán trong nước giảm sâu.
Đóng cửa phiên 21/4, VN-Index mất 28 điểm, giảm 3,5% về 767 điểm với 312 mã giảm điểm và chỉ 56 mã tăng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 4,6% với 120 mã đi xuống, 47 mã tăng.
Sắc đỏ bao trùm toàn bộ cổ phiếu trong danh mục VN30. 6 mã giảm sàn và trắng bên mua cuối phiên gồm CTD (Coteccons), PLX (Petrolimex), ROS (FLC Faros), SBT (Thành Thành Công – Biên Hòa), VPB (VPBank), VRE (Vincom Retail).
Nhóm cổ phiếu dầu khí hôm nay chứng kiến nhiều mã giảm hết biên độ như PVD (PV Drilling), PVS (PTSC) trong khi GAS (PV Gas) cũng mất 6%.
Nhóm ngân hàng cũng diễn biến tiêu cực theo đà chung. BID (BIDV) giảm 7%; CTG (Vietinbank), MBB (MBBank), HDB (HDBank), STB (Sacombank) giảm 6%; TCB (Techcombank) giảm 5%.
Cổ phiếu hai hãng hàng không VJC (Vietjet) và HVN (Vietnam Airlines) giảm 2%, diễn biến ít tiêu cực hơn thị trường chung sau thông tin nhiều đường bay nội địa dự kiến khai thác trở lại từ 23/4.
Các chỉ số trên thị trường giảm mạnh với độ rộng nghiêng về bên bán. Ảnh: SSI. |
Thanh khoản thị trường tăng vọt với giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE đạt hơn 5.100 tỷ đồng, mức cao nhất từ tháng 10/2018. Nhu cầu chốt lời ngắn hạn sau chuỗi tăng điểm trong 3 tuần liên tục của VN-Index đã đẩy thanh khoản lên cao.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường với tổng giá trị 247 tỷ đồng. Áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng như BID, STB, VCB (Vietcombank) cùng VIC (Vingroup).
Theo nhận định của MBS, thị trường điều chỉnh giảm là diễn biến nằm trong dự báo trong bối cảnh sau 3 tuần tăng liên tiếp, các cổ phiếu đã tăng bình quân từ 20 đến 30% và kích thích các nhà đầu tư chốt lời. Đây cũng là phiên điều chỉnh rõ nét nhất kể từ cuối tháng 3 khi thị trường bước vào đợt tăng ngắn vừa qua.
“Nhà đầu tư đồng loạt xả hàng trong bối cảnh các chỉ số đã chạm các ngưỡng kháng cự mạnh. Kết quả kinh doanh quý I kém khả quan của các doanh nghiệp đã bắt đầu lộ diện. Mặc dù lực cầu giá thấp đã hấp thụ khá tốt, xu hướng tăng đã bị lung lay đáng kể”, chuyên gia của VDSC phân tích.
Đà giảm điểm của thị trường trong nước hôm nay hòa chung với xu hướng đi xuống của các thị trường châu Á. Các chỉ số đại diện cho thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đồng loạt giảm 1-2%.
Chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh sau 1 tuần khởi sắc khi giá dầu thô sụt nghiêm trọng. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,4%, S&P 500 mất 1,8% còn Nasdaq cũng giảm 1%.