Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhà đầu tư tiền mã hóa muốn đòi lại hàng triệu USD từ sàn Binance

Khiến nhà đầu tư mất hàng triệu USD vì sự cố kỹ thuật, Binance - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - đang bị người dùng đòi tiền.

Nha dau tu muon doi tien Binance anh 1

Theo Wall Street Journal, nhờ tập viết code từ năm 13 tuổi, Anand Singhal đã tiết kiệm được khoảng 50.000 USD. Với anh, số tiền này có thể biến giấc mơ trở thành thạc sĩ khoa học máy tính ở Mỹ thành hiện thực.

Tuy nhiên, vào ngày 19/5, chỉ trong vỏn vẹn 7 phút, toàn bộ số tiền tích lũy bấy lâu của Singhal đã biến mất.

Kể từ khi giá Bitcoin cùng hàng loạt đồng mã hóa khác lao dốc, Binance - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - đóng băng liên tục một giờ. Các lệnh đòn bẩy, ký quý giá trị cao của nhà đầu tư, bao gồm cả Singhal, bất ngờ bị khóa.

Trong lúc thị trường lao dốc, sàn giao dịch đã thu giữ các khoản thế chấp ký quỹ của người dùng, đồng thời thanh lý các khoản nắm giữ. Singhal cho biết anh đã mất 50.000 USD cộng với khoản lãi 24.000 USD sinh ra từ những giao dịch trước đó.

Nha dau tu muon doi tien Binance anh 2

Nhiều người dùng trên thế giới không thể truy cập tài khoản trên sàn để thoát lỗ. Ảnh: Observe.

Sự cố ngày trượt giá

Muốn lấy lại số tiền đã mất, Singhal cùng 700 nhà đầu tư tìm đến một luật sư tại Pháp. Ở Italy, một nhóm người dùng khác cũng đang kiến nghị lên Binance về sự cố tương tự. Các luật sư đại diện cho nhóm đã gửi mail đến 11 địa chỉ của Binance tại châu Âu và một email tới bộ phận trợ giúp.

Theo phát ngôn viên của Binance, cơn biến động thị trường tiền mã hóa hôm 19/5 đã khiến sàn giao dịch tắc nghẽn kỹ thuật. “Chúng tôi khẩn trương kết nối với những người dùng bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẵn lòng nói chuyện với bất kỳ ai quan tâm tới sự cố kỹ thuật”, đại diện Binance thông báo.

Khác với những nền tảng đầu tư truyền thống, Binance không có trụ sở chính và không được kiểm soát. Ngay cả Changpeng Zhao, nhà sáng lập Binance, cũng từng coi ý tưởng lập trụ sở là cổ hủ.

Từ đầu năm 2021, cơn sốt tiền mã hóa đã khiến cộng đồng đầu tư trên thế giới quay cuồng. Theo dữ liệu của CryptoCompare, phần lớn hoạt động giao dịch tài sản số đều đi qua Binance. Riêng tháng 5, Binance đã xử lý gần 2.500 tỷ USD giao dịch phái sinh.

Nha dau tu muon doi tien Binance anh 3

Binance là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Ảnh: Binance.

Các nhà phân tích nhận định sự cố hôm 19/5 đã để lộ các lỗ hổng của Binance. Sàn giao dịch này không đủ khả năng xử lý khối lượng giao dịch lớn, đồng thời gây ra phản ứng dữ đội từ người dùng.

Binance hiện không có giấy phép hoạt động tại Nhật Bản và Quần đảo Cayman. Ngoài ra, giới chức Anh tuyên bố sàn giao dịch không được phép thực hiện các hoạt động liên quan đến tài chính. Một số ngân hàng nước này cũng ngăn không cho khách hàng chuyển tiền vào Binance.

Tại Mỹ, Binance không hướng người dùng đến website chính thức. Thay vào đó, người dùng phải truy cập vào địa chỉ khác của sàn là Binance.us. Đây là sàn cung cấp giao dịch tiền mã hóa giao ngay. Do không cung cấp các công cụ phái sinh, Binance.us không cần đăng ký với Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ.

Gây khó khăn cho người dùng

Changpeng Zhao, hay còn gọi là CZ, là lập trình viên 44 tuổi người Canada gốc Trung Quốc. Với ý tưởng giúp các nhà đầu tư mua bán tiền mã hóa cũng như cung cấp các sản phẩm tài chính như hợp đồng tương lai, ký quỹ, CZ đã thành lập nên Binance.

Binance là sàn giao dịch tiền mã hóa nổi tiếng, thu hút nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Website chính thức của sàn hiện phổ cập hơn 30 ngôn ngữ.

Sau sự cố ngày 19/5, Aaron Gong, một lãnh đạo của Binance, đã đăng tải tweet xin lỗi và tuyên bố nhân viên sàn sẽ liên hệ hỗ trợ với những người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đoạn tweet này nhanh chóng bị xóa đi sau đó.

Singhal cho biết Binance đã phát hành một mẫu đơn yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, anh bất ngờ trước nội dung phản hồi. Cụ thể, Binance đề nghị nâng cấp tài khoản của Singhal lên gói VIP trong vòng 3 tháng, đổi lại, anh chỉ cần đồng ý “giải phóng và loại bỏ mãi mãi” khoản tiền đã mất. Nếu tiết lộ, Binance dọa sẽ rút lại lời đề nghị.

Tôi sẽ không bao giờ giao dịch nữa. Tôi cảm thấy bị tổn thương

Anand Singhal, nhà đầu tư mất hơn 70.000 USD trên Binance

“Tôi sẽ không bao giờ giao dịch nữa. Tôi cảm thấy bị tổn thương”, Singhal cho biết.

“Không có nhiều khuôn khổ quy định nếu bạn đang giao dịch tiền mã hóa”, Simon Treacy - luật sư cấp cao tại công ty luật Linklaters LLP có trụ sở tại London (Anh) - nhận định.

Theo chính sách của Binance, người dùng muốn bồi thường phải đệ đơn lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hong Kong. Đây là phương án tương đối tốn kém với các nạn nhân đơn lẻ.

“Binance đã gây khó khăn cho hành trình đòi quyền lợi của người dùng”, Aija Lejniece - luật sư tư vấn cho nhóm các nhà đầu tư nạn nhân tại công ty luật Latham & Watkins ở Paris - khẳng định. Luật sư Lejniece đang tìm mọi cách để giúp các nạn nhân nhận được tiền bồi thường.

Nạn nhân nhận trái đắng

Một trong những nạn nhân của sự cố kỹ thuật trên Binance là Kate Marie, nhà tư vấn công nghệ chăm sóc sức khỏe 59 tuổi ở Sydney. Sau khi tham khảo các tài liệu trên YouTube, Marie bắt đầu tham gia thị trường tiền mã hóa với 10.000 USD. Tháng 4, thị trường diễn biến tích cực, Marie kiếm được 450.000 USD.

“Tiền mã hóa mang lại cho người nghèo cơ hội kiếm tiền giống những người giàu có”, cô nói. Phải đến khi thị trường sụt giá, Marie cho biết cô mất khoảng 170.000 USD vì không thể truy cập được vào Binance để cắt lỗ. “Tôi cảm thấy bị lừa”, Marie bức xúc.

Khi các cơ quan quản lý trên khắp thế giới muốn siết chặt Binance, sàn giao dịch đã được sắp xếp lại. Tháng 6, Binance rút khỏi Ontario sau khi Ủy ban Chứng khoán Ontario yêu cầu tuân thủ luật chứng khoán địa phương. Để xử lý các vấn đề về quy định. Binance đã bổ sung thêm nhân sự mới.

Nha dau tu muon doi tien Binance anh 4

Sự cố kỹ thuật của Binance đã lấy của Kate Marie 170.000 USD. Ảnh: Mary Egan.

Fawaz Ahmed - cư dân 33 tuổi ở Toronto - giao dịch toàn thời gian từ năm 2020. Với hy vọng kiếm đủ tiền để bố mẹ nghỉ hưu và giúp đỡ các anh chị em học đại học, Ahmed đã tích lũy nhiều hợp đồng tương lai trên Binance.

Ahmed sở hữu 1.250 Ethereum với giá trị lên tới 3 triệu USD. Tuy nhiên, khi Ethereum trượt giá vào ngày 19/5, Ahmed chỉ còn cách bất lực nhìn số tiền mình kiếm được biến mất khi không thể đặt lệnh trên ứng dụng.

“Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi,” Ahmed cho biết thêm rằng anh cảm thấy chán nản và gặp nhiều khó khăn khi rời khỏi nhà của mình. Anh không dám kể với gia đình rằng anh ấy đã mất hàng triệu USD.

Thợ đào Bitcoin Trung Quốc có 'di cư' sang Việt Nam?

Trước thái độ cứng rắn của Chính phủ Trung Quốc, các chủ mỏ đào Bitcoin tại quốc gia này chuẩn bị cho một cuộc di cư lớn. Tuy nhiên, những chủ mỏ này có thể sẽ không chọn Việt Nam.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm