Kể từ cuối tháng 8 đến nay, nhiều quỹ đầu tư đã liên tục thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn trên lĩnh vực khác nhau.
Ngày 13/9, Deutsche Bank AG, London Branch bán ra hơn 3,9 triệu cổ phiếu SSI của Cpng6 ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn. Sau giao dịch trên, số lượng cổ phiếu tổ chức này nắm giữ đã giảm từ 27,5 triệu cổ phiếu, tương ứng với 5,74% vốn xuống còn 23,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,93%.
Trước đó, trong tháng 3 và tháng 8, nhóm Deutsche Bank AG đã bán tổng cộng gần 6,6 triệu cổ phiếu SSI.
Red River Holding (RRH) là quỹ đầu tư được thành lập bởi Tập đoàn Artémis vào năm 2008, thuộc sở hữu của tỷ phú người Pháp François Pinault, đã bán thành công 3,6 triệu cổ phiếu FPT.
RRH đã không còn là cổ đông lớn khi tỷ lệ sở hữu giảm từ 24,7 triệu cổ phiếu (5,38%) xuống còn 21 triệu cổ phiếu (4,58%) kể từ ngày 9/9.
Ngoài FPT, RRH cũng đã đăng ký thoái 2 triệu cổ phiếu tại một công ty lớn trong lĩnh vực kinh doanh chế biến thủy sản là Vĩnh Hoàn (VHC), và chuyển nhượng hơn 3 triệu cổ phiếu cho công ty con tại Thủy sản Minh Phú (MPC).
Có thời điểm RRH đã rót 243 triệu USD vào 27 công ty tại Việt Nam. Tuy nhiên, quỹ này đã thoái vốn hàng loạt các khoản đầu tư như Nhựa Tiền Phong (NTP), Vicostone (VCS), Vinasun (VNS), Hòa Phát (HPG), Everpia (EVE), Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG),… do dự kiến năm 2017 là thời hạn đóng quỹ.
Một trong những ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ là Thế giới di động (MWG) cũng liên tục chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn.
Mekong Enterprise Fund II đã bán thành công 2,7 triệu cổ phiếu MWG ngày 21/9, nâng tổng số cổ phiếu bán ra từ đầu năm tại đây là 5,2 triệu cổ phiếu. Hiện tại, quỹ đầu tư này còn nắm giữ 10,8 triệu cổ phiếu tại MWG, tương đương 7,39%.
VN-index đã tăng 17% kể từ đầu năm đến ngày 23/9. Ảnh: ĐTCK |
Kể từ đầu năm 2016 đến nay, một cổ đông ngoại khác là NTAsia Discovery Master Fund bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG, và CDH Electric Bee Limited cũng đã bán ra 4,4 triệu cổ phiếu.
Ngày 15/9 vừa qua, Wareham Group Limited – một quỹ đầu tư liên quan đến Dragon Capital - cũng không còn là cổ đông lớn của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), do tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 4.98% sau khi bán 200.000 cổ phiếu HPG.
Hiện Wareham Group Limited đang nắm giữ gần 6,4 triệu cổ phiếu tại HPG, tương đương 0,75%.
Vào đầu tháng 9, Quỹ ASPL V6 Ltd cũng thoái 1.7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần đầu tư Nam Long (NLG), giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,75% (3,9 triệu cổ phiếu).
Trước đó trong tháng 4 và tháng 8, ASPL V6 Ltd đã bán ra tổng cộng gần 4,2 triệu cổ phiếu NLG.
Trong khi đó, ngay sau 2 đợt thoái vốn nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2016, Vietnam Property Holding tiếp tục bán bớt cổ phiếu D2D của Công ty cổ phần Phát triển đô thị công nghiệp Số 2 vào ngày 21/9/2016, để giảm sở hữu xuống 5,15% vốn, tương đương 549.210 cổ phiếu.
Ngoài ra, theo lộ trình thoái vốn, trong năm nay Mekong Capital dự kiến thoái bớt các khoản đầu tư tại Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Thế giới di động, FPT, Nam Long, ITC.
Nguyên nhân các quỹ đầu tư ồ ạt thoái vốn một phần hoặc toàn bộ tại các doanh nghiệp lớn, là nhằm mục đích hiện thực hóa lợi nhuận từ những khoản đầu tư của họ.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-index trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng tới 17%. Được sự cộng hưởng từ thị trường chung và kết quả kinh doanh tốt, các cổ phiếu này đã tăng giá mạnh, như FPT tăng 19%, HPG tăng 69%, MWG tăng 77%, VHC tăng giá 122%, ….
Ngoài ra, các quỹ đầu tư thoái vốn có thể là do thời hạn đóng quỹ sắp đến, thoái vốn để chuyển hướng đầu tư, cơ cấu lại danh mục.