Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà đầu tư Nhật đang tạo sóng ngầm ở thị trường bất động sản Việt Nam

Không tạo nên sức nóng thông tin, các nhà đầu tư bất động sản của Nhật Bản với chiến lược chắc chắn và dài hơi đang âm thầm rót vốn, tạo ra sức hút với khách hàng.

Chỉ hơn 5 năm trôi qua, dòng vốn hàng tỷ đô của Nhật Bản đã thực sự tạo nên sóng ngầm tại thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam.

Làm BĐS với tầm nhìn xa của người Nhật

Năm 2012, khi Công ty liên doanh Becamex Tokyu nhận giấy phép đầu tư dự án Khu đô thị vườn Tokyu (Tokyu Binh Duong Garden City) có diện tích 110 ha, nhiều người trong giới địa ốc hoài nghi việc nhà đầu tư Nhật Bản này sẽ làm gì với vùng đất mà họ mới “tháo chạy”. Trước những câu chuyện không mấy sáng sủa về bất động sản Bình Dương, ông Nakata Yasuyuki, Tổng giám đốc liên doanh Becamex Tokyu, chia sẻ một kinh nghiệm đầu tư của công ty ông trước đó.

Ông kể năm 1950, khi doanh nghiệp quyết định phát triển thành phố Tokyu Tama Denen rộng 5.000 ha (mở rộng về hướng Tây Nam Tokyo, Nhật Bản), mật độ dân số lúc đó khá thưa thớt. Nhưng trong suốt những thập niên 60 đến 80, họ đã xây các tuyến đường sắt kết nối dự án này với khu vực trung tâm hiện hữu, để thu hút một lượng lớn dân cư về sinh sống. Khi mọi ngả đường kết nối trở nên dễ dàng thì việc bán hàng dễ như trở bàn tay.

Von Nhat tao song ngam thi truong BDS Viet Nam anh 1
Nhà đầu tư Nhật Bản mạnh tay thâu tóm các tòa cao ốc văn phòng tại trung tâm TP.HCM 

“Ở các đô thị lớn của Việt Nam trong giai này đang có bối cảnh tương tự, khi tốc độ phát triển hạ tầng cũng như xã hội rất cao. Nhà đầu tư Nhật nổi tiếng là cẩn trọng, nhưng việc dựa theo đà phát triển của địa phương họ sẽ biết cách chuyển hóa cơ hội một cách tối ưu”, ông Nakata Yasuyuki chia sẻ tại thời điểm đầu tư khu đô thị Tokyu.

Cũng như văn hóa đầu tư ở các lĩnh vực khác, nhà đầu tư bất động sản của Nhật Bản với sự cẩn trọng và kinh nghiệm nhìn xa đang âm thầm tạo ra sức hút khác đối với khách hàng.

“Đối với Bình Dương, tương lai vẫn còn ở 20 đến 30 năm nữa, và đầu tư phải cần có niềm tin. Người dân chưa mặn mà thì hãy làm cho họ cảm thấy đường về thật dễ dàng và thuận lợi. Việc đầu tư không chỉ là hàng nghìn đơn vị nhà ở, mà đi kèm là hạ tầng về giao thông kết nối và nhiều tiện ích khác”, ông Nakata chia sẻ thêm chuyện doanh nghiệp đầu tư vào BĐS Bình Dương.

Việc phối hợp “tác chiến” cùng các tập đoàn đồng hương khi làm ăn ở nước ngoài luôn được người Nhật khai thác triệt để. “Đồng hương” Aeon Mall Bình Dương được triển khai đồng thời với dự án khu đô thị vườn Tokyu, đã cho thấy người Nhật đã có phác họa kịch bản làm ăn dài hạn.

"Ve vãn" kiểu Nhật

Trong vòng 5 năm, dòng vốn của Nhật Bản đã len lỏi khắp thị trường BĐS Việt Nam, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Đáng chú ý là những thương vụ mua bán của các doanh nghiệp này không được truyền thông rầm rộ.

Nửa đầu năm 2018, Nhật Bản là quốc gia rót vốn mạnh nhất vào Việt Nam với hơn 5,5 tỷ USD. BĐS sản đóng góp tỷ trọng lớn với nhiều dự án hàng tỷ USD.

Dự án đáng chú ý của nhà đầu tư Nhật Bản là thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Vốn góp để thực hiện dự án là 14.260 tỷ đồng (625,4 triệu USD). Riêng nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo Corporation góp 50%, còn lại là các nhà đầu tư Việt Nam.

Ở phía nam, Tập đoàn Nam Long vừa công bố các nhà đầu tư chiến lược cùng hợp tác phát triển giai đoạn 1 Khu đô thị Waterpoit, Long An. Theo thỏa thuận, Tập đoàn Nam Long, nhà đầu tư Nhật Nishi Nippon Railroad, TBS Group và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp cùng góp vốn theo tỷ lệ tương ứng 50% - 35% - 10% và 5% để thực hiện giai đoạn 1 Khu đô thị này, với tổng vốn đầu tư 6.900 tỷ đồng.

Không chỉ mạnh về liên kết triển khai các dự án nhà ở, nhà đầu tư Nhật cũng đẩy mạnh thâu tóm trong phân khúc dự án văn phòng.

Cụ thể, Tập đoàn Nomura Real Estate Asia mới đây đã bất ngờ thâu tóm 24% vốn trong tòa nhà văn phòng hạng A Sunwah Tower. Giá trị thương vụ không được tiết lộ chính thức, nhưng với vị trí đắc địa trên trục đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), số tiền mà nhà đầu tư Nhật buộc phải chi ra trong thương vụ này chắc chắc là không hề nhỏ.

Trước đó, Tập đoàn Mitsubishi cũng đã mua lại 11.000 m2 văn phòng trong khu phức hợp Le Meridien từ Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước, hay tòa văn phòng hạng A nổi tiếng A&B Tower cũng lọt vào tay của một nhà đầu tư Nhật.

Von Nhat tao song ngam thi truong BDS Viet Nam anh 2
Nhà đầu tư Nhật Bản với chiến lược đầu tư chắc và có kế hoạch dài hơi.

Nhận xét về xu hướng đầu tư của người Nhật, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư của Công ty Savills Vietnam, đánh giá: “Nhà đầu tư Nhật nổi tiếng kỹ tính, họ đầu tư thận trọng từng bước một. Sau một khoảng thời gian thăm dò và kiểm chứng thị trường, đến nay họ mới quyết định gia tăng đầu tư, khi nhận thấy thị trường địa ốc Việt Nam bắt đầu phục hồi”.

Trong khi đó ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng một trong những lợi thế của các nhà đầu tư Nhật chính là chi phí vốn rẻ. Làn sóng đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam của các nhà đầu tư Nhật chắc hẳn sẽ còn tiếp tục.

“Điều đáng nói tham gia vào phân khúc nhà ở, nhưng việc phát triển nhiều dự án có vốn Nhật thường gắn liền với chuyện phải thu hút người người dân về sống như thế nào. Đây mới chính là sự 've vãn' cần thiết của các nhà đầu tư Nhật với thị trường BĐS Việt Nam", ông Châu nhấn mạnh.

Đại gia địa ốc Nhật thâu tóm tòa nhà Sun Wah Tower ở Sài Gòn

Trong một thông cáo mới đây, Công ty bất động sản Nomura Real Estate (Nhật Bản) đã công bố mua 24% cổ phần cao ốc Sun Wah Tower ngay trung tâm quận 1, TP.HCM.





Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm