Theo bản cáo bạch niêm yết trên HOSE mới được MSB công bố, nhà băng này thuyết minh chi tiết cơ cấu cổ đông ngân hàng bao gồm cổ đông lớn (nắm giữ trên 5% vốn điều lệ), cơ cấu cổ đông trong nước, nước ngoài, cổ đông cá nhân, tổ chức.
Trong đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong đang nắm giữ 13,05% vốn tại MSB, nhóm cổ đông tổ chức trong nước nắm 49,22% vốn và VNPT là cổ đông lớn duy nhất nắm 6,09% vốn điều lệ ngân hàng, tương đương 71,5 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ tổng cộng 29,18% vốn điều lệ MSB. Như vậy, room ngoại còn lại tại nhà băng này chỉ vào khoảng 0,82% trước thời điểm ngân hàng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Hiện tại, MSB cũng còn nắm giữ hơn 100,5 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,55% vốn ngân hàng. Hiện tại, ngân hàng đã có kế hoạch bán phần lớn cổ phiếu quỹ ra công chúng sau khi niêm yết.
Theo đó, MSB sẽ bán tổng cộng 82,5 triệu cổ phiếu quỹ với tổng giá trị theo mệnh giá là 825,2 tỷ đồng. Sau phát hành, ngân hàng còn nắm 18 triệu cổ phiếu quỹ, lượng cổ phiếu này cũng đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận dùng để bán/thưởng cho cán bộ nhân viên ngân hàng.
CƠ CẤU CỔ ĐÔNG HIỆN TẠI CỦA MSB | |||||
Nhãn | Cá nhân trong nước | Tổ chức trong nước | Cổ đông nước ngoài | Cổ phiếu quỹ | |
% | 13.05 | 49.22 | 29.18 | 8.55 |
Chia sẻ về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã gần kịch trần cho phép tại ngân hàng, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết MSB chắc chắn vẫn sẽ mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Sau khi niêm yết, ngân hàng sẽ tiến hành tăng vốn và khi đó HĐQT cùng các cổ đông sẽ căn cứ vào việc cổ đông nước ngoài đó mang lại giá trị như thế nào cho ngân hàng để hợp tác. Ngoài ra, khi ngân hàng tăng vốn lên theo kế hoạch sẽ vẫn còn room cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Với tỷ lệ sở hữu gần 30% hiện tại của nhà đầu tư nước ngoài, nếu ngân hàng tăng vốn lên gấp đôi như kế hoạch thì thì vẫn còn vài nghìn tỷ cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào”, ông Linh chia sẻ.
Nói thêm về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MSB, ông Linh cho biết phần lớn số này là tỷ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài tại MDB trước khi sáp nhập vào MSB.
Bên cạnh đó, về phần vốn của cổ đông lớn VNPT (6,09%), vị tổng giám đốc ngân hàng cho biết cổ đông lớn này đã nhiều lần có kế hoạch thoái vốn khỏi ngân hàng để tuân thủ các quy định về quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước. Và việc MSB niêm yết trên sàn chứng khoán lần này cũng sẽ giúp VNPT thoái vốn dễ dàng hơn theo giá thị trường.
VNPT sẽ được quyết định đối tác bán toàn bộ vốn sở hữu hoặc thoái vốn từng đợt trên sàn chứng khoán.
Hiện tại, MSB không thuyết minh cụ thể về tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trong nước, nhưng nhóm cổ đông có liên quan ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT được cho là nhóm sở hữu lớn nhất.
Hồi đầu tháng 11, CTCP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings (TN1) đã thông qua kế hoạch nhận chuyển nhượng cổ phần MSB với số lượng 10 triệu đơn vị, giá 23.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, TNS Holdings cũng đã nhận chuyển nhượng gần 21,8 triệu cổ phần MSB với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 305 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là những cổ đông sáng lập Tập đoàn TNG, tập đoàn có liên quan với TNS Holdings.
Theo kế hoạch sau niêm yết được MSB công bố, nhà băng này dự kiến tăng vốn điều lệ lên 12.925 tỷ đồng đến cuối năm 2021 và dự kiến đạt 17.303 tỷ đồng đến năm 2024, vốn chủ sở hữu cùng năm đạt trên 20.000 tỷ đồng.