Theo Business Insider, anh Jack Kellogg đã bắt đầu giao dịch cổ phiếu ngay khi còn học trung học vào năm 2017. Với 5 năm "trong nghề", anh đã trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, từ đợt lao dốc vào năm 2020, các đợt tăng giá dữ dội vào năm 2021 và thị trường “gấu” vào năm 2022.
Bằng kinh nghiệm cá nhân, anh đã đúc kết được một nguyên tắc để mọi thứ phải thật đơn giản mà vẫn linh hoạt.
Nhà đầu tư trẻ Jack Kellogg. Ảnh: Business Insider. |
Cụ thể, nhà đầu tư này cho rằng mọi người không cần phải dùng đến những chỉ báo quá “siêu phàm”. “Để theo dõi, tôi chỉ sử dụng các đường xu hướng cơ bản, hỗ trợ - kháng cự và đường khối lượng. Đừng phức tạp hóa các chỉ báo, nó chỉ khiến bạn rối rắm hơn mà thôi”, Jack chia sẻ.
Nhờ quan điểm này, anh đã trở thành một nhà đầu tư linh hoạt và có những giao dịch “ổn định” trong suốt thời kỳ “biến động” của năm 2022.
Khởi đầu không thành công
Theo xác minh của BI, Jack đã lãi hơn 8 triệu USD từ những giao dịch trong ngày vào năm 2020 và 2021. Cụ thể, anh đã kiếm được khoảng 1,6 triệu USD vào năm 2020 và 6,5 triệu USD trong năm 2021.
Tuy vậy, Jack Kellogg cũng từng trải qua một chặng đường thất bại trước khi chạm đến những con số đáng kể như trên. Khi bắt đầu với số tiền 7.500 USD, Jack đã lỗ gần hết chỉ trong lần đầu giao dịch, điều này khiến anh nhận ra bản thân không biết mình đang làm gì.
Sau đó, anh đã tạm ngừng giao dịch và đăng ký một khóa học trực tuyến để nâng cao kỹ năng. Kết quả là vào đầu năm 2020 - thời điểm thị trường bắt đầu tăng giá mạnh - Jack đã sẵn sàng "cưỡi sóng".
Đến năm 2022, khi thị trường sụt giảm mạnh, anh đã đầu tư vào các cổ phiếu bán lẻ như Bed Bath and Beyond (BBBY) và AMC - và kiếm được khoảng 60.000 USD.
Ngoài ra, Jack cũng mua bán một vài cổ phiếu vốn hoá nhỏ nhưng kiếm được những khoản lời lớn, như Intelligent Living Application (ILAG) - giúp anh kiếm được gần 100.000 USD.
4 chỉ báo quan trọng
Theo chia sẻ của Jack, để đem về số tiền “đầy ấn tượng”, anh đã theo dõi 4 chỉ báo quan trọng dưới đây:
Đầu tiên là VWAP (Volume Weighted Average Price) - thể hiện đường trung bình giá dựa theo khối lượng giao dịch có trọng số. Jack sử dụng chỉ số này cùng với biểu đồ khối lượng mua hàng ngày để xác định mức giá mua vào tốt nhất.
Với mục tiêu là "mua thấp - bán cao", anh lưu ý mọi người không nên trả nhiều tiền hơn mức trung bình mà ai cũng mua vào, có nghĩa là không nên đặt lệnh mua nếu giá cao hơn đường VWAP. Còn nếu giá thấp hơn VWAP thì không nên bán khống cổ phiếu đó.
Chỉ báo VWAP. Ảnh: Tradingview. |
Tiếp theo là Đường hồi quy tuyến tính (linear regression), chỉ báo này cho biết xu hướng giá và khi nào giá sẽ "đổi hướng". Hai đường dưới và trên thể hiện phạm vi giá hoặc biến động, còn đường trung tâm cho biết mức giá trung bình.
Giá chạm đường trên biểu thị cổ phiếu này đang được mua quá mức, còn đường dưới cho thấy nó đang bị bán quá mức.
“Một cổ phiếu có chiều hướng giao dịch đi theo đường hồi quy tuyến tính thì càng dễ dự đoán”, Jack nói.
Chỉ báo về linear regression. Ảnh: Tradingview. |
Chỉ báo thứ ba là Khối lượng (Volume) - cho biết số lượng cổ phiếu đang được giao dịch tại bất kỳ thời điểm nào. Nhà đầu tư thường sử dụng chỉ báo này để dự đoán về thời điểm cổ phiếu có thể đảo chiều.
“Khi thấy khối lượng giao dịch lớn, tôi biết rằng có khả năng nhiều người đã đổ xô vào bán hoặc mua. Vì vậy, nếu khối lượng tự nhiên tăng đột biến trong ngày, tôi sẽ tạm thời dừng giao dịch trong ngày đó”, Jack cho hay.
Chỉ báo về khối lượng. Ảnh: Tradingview |
Cuối cùng là chỉ báo về ngưỡng “hỗ trợ và kháng cự”. Vì chỉ báo này thay đổi trong suốt phiên giao dịch nên Jack sẽ cố gắng tìm ra các mốc quan trọng bằng cách nhìn vào những điểm có giá tăng song song đối với khối lượng, đồng thời chú ý đến số lần và thời gian một mức giá được duy trì để xác định độ mạnh của điểm đó.
“Mặc dù không chính xác như nghiên cứu khoa học, nhưng những điểm mà giá dao động trong 30 phút đến 1 giờ là ổn nhất", anh nhận định.
Ngưỡng hỗ trợ và ngưỡng kháng cự. Ảnh: Tradingview. |
Ngoài ra, Jack cũng cho biết hành động giá thực tế (price action) là yếu tố quan trọng hàng đầu. Kể cả khi bạn đã biết lý do giúp cổ phiếu tăng hoặc giảm mà thị trường đang diễn ra theo hướng khác, bạn vẫn phải cắt lỗ.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.