Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch hưng phấn khi lần đầu tiên VN-Index có trọn một tuần trong sắc xanh trong năm 2020.
VN-Index hiện ở mốc 790 điểm, tăng 4% so với một tuần trước. Tính từ cuối tháng 3 khi VN-Index chạm vùng 660, thị trường đã hồi phục gần 20%. Trong 12 phiên của tháng 4, VN-Index chỉ có đúng một ngày giảm điểm.
Thanh khoản tăng mạnh
Điểm nhấn của thị trường tuần qua là thanh khoản được đẩy lên mức cao nhất trong hơn một tháng với giá trị giao dịch khớp lệnh gần 4.200 tỷ đồng trên sàn HoSE trong phiên cuối tuần 16/4. Đây là phiên thứ hai sàn HoSE ghi nhận giá trị khớp lệnh trên 4.000 tỷ đồng từ nhịp hồi phục đầu tháng 4.
Trong phiên này, đà tăng không chỉ xuất hiện trong nhóm cổ phiếu bluechip ngân hàng, thực phẩm, đồ uống mà lan tỏa sang nhiều cổ phiếu trung bình (mid-cap) trên một loạt nhóm ngành như bất động sản, khu công nghiệp, bán lẻ, xây dựng, chăn nuôi.
Theo báo cáo của Mirae Asset, dòng tiền trên thị trường tiếp tục tìm đến nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình với mức P/E thấp. Nhiều cổ phiếu đang có tình hình kinh doanh không tốt bởi dịch bệnh cũng bắt đầu tăng sau khoảng thời gian đi ngang như BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), SAB (Sabeco), BHN (Habeco).
“Dòng tiền đang tìm đến những cơ hội từ các nhóm cổ phiếu chưa tăng bất kể rủi ro có thể là dấu hiệu cho thấy sự nôn nóng của nhà đầu tư”, chuyên gia của công ty nêu quan điểm.
Nhận định về việc thanh khoản tăng cao, MBS cho rằng dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu đạt đỉnh dù thị trường đã tăng điểm liên tiếp 3 tuần vừa qua.
VN-Index đang hồi phục mạnh sau khi rớt xuống vùng 660 điểm vào cuối tháng 3. Ảnh: VNDS. |
Có thể còn biến động khó lường
Theo MBS, mùa công bố báo cáo tài chính quý I đang đến sẽ giúp nhà đầu tư điều chỉnh lại kỳ vọng lợi nhuận trên thị trường và bắt đầu đánh giá khả năng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa cuối 2020 và năm 2021, khi dịch bệnh dần được đẩy lùi.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới diễn biến giá cổ phiếu trong dài hạn. Do đó, triển vọng lợi nhuận quyết định quỹ đạo thị trường thời gian tới”, chuyên gia của công ty phân tích.
Báo cáo của MBS dự đoán trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể tiếp tục biến động mạnh.
Theo đó, nhiều thị trường trên thế giới đang hồi phục trên cơ sở kỳ vọng dịch bệnh diễn tiến tích cực. Tuy nhiên, khi sự tập trung của nhà đầu tư bắt đầu chuyển từ dịch bệnh sang diễn biến thực của nền kinh tế, những kết quả thất vọng có thể khiến thị trường rung lắc.
Trong báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam quý II, KBSV cũng nhìn nhận chứng khoán trong nước có thể tiếp tục trải qua các nhịp biến động mạnh tương tự như diễn biến cuối quý I.
“Rủi ro vẫn hiện hữu và còn quá sớm để khẳng định chúng ta đã nhìn thấy tất cả các ảnh hưởng của Covid-19 đến nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp”, KBSV cho biết. Công ty nhận định dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp trong quý I nhưng các tác động lớn nhất sẽ tập trung trong quý II.
Dựa trên kịch bản đỉnh dịch bệnh rơi vào cuối quý II, đơn vị này đánh giá nhịp hồi phục bền vững của thị trường sẽ chỉ xuất hiện vào giai đoạn nửa sau quý II, đầu quý III.
Khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm sâu sẽ đóng vai trò dẫn dắt với khả năng từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ cơ cấu tài chính lành mạnh, ưu thế về quy mô, quan hệ với đối tác lâu năm.