Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại tuần giao dịch 4-8/4 với phiên giảm mạnh trên cả 2 sàn HoSE; HNX; UPCoM vào cuối tuần.
Trên sàn HoSE, chỉ số VN-Index đóng cửa tuần ở mốc 1.482 điểm, giảm 20,35 điểm (1,35%) so với phiên liền trước và thấp hơn 34,44 điểm (2,27%) so với tuần trước.
Tương tự, trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng giảm 9,59 điểm phiên cuối tuần, tương đương 2,17%, đóng cửa ở 432,02 điểm. So với một tuần trước, chỉ số lớn nhất sàn Hà Nội cũng đã giảm 22,08 điểm (4,86%). Trên UPCoM, chỉ số lớn nhất sàn này cũng giảm 1,38 điểm (1,18%) tuần qua, cố định ở 115,81 điểm.
Trong tuần diễn biến tiêu cực này, thanh khoản thị trường cũng giảm đáng kể so với tuần trước. Trong đó, tổng giá trị giao dịch bình quân thị trường đạt khoảng 30.837 tỷ đồng/phiên, giảm gần 7% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân trên HoSE là 28.765 tỷ/phiên, cũng thấp hơn 5%.
Theo dữ liệu từ FiinPro, trong tuần 4-8/4, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay trở lại sau 2 tuần rút ròng liên tiếp.
Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng trở lại 1.750 tỷ đồng trên HoSE tuần này, trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh là 1.528 tỷ đồng. Cổ phiếu được dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân hướng tới là VPB (VPBank) với giá trị mua ròng 338 tỷ đồng. Theo sau là VHM (Vinhomes) và VIC (Vingroup) với giá trị mua ròng lần lượt 302 tỷ và 252 tỷ đồng; FLC (Tập đoàn FLC) 134 tỷ đồng…
GIÁ TRỊ MUA/BÁN RÒNG CỦA CÁC NHÓM NHÀ ĐẦU TƯ TRÊN HOSE | ||||
Nguồn: FiinPro; Tổng hợp | ||||
Nhãn | Cá nhân trong nước | Tổ chức kinh tế trong nước | Nhà đầu tư nước ngoài | |
Tuần 14-18/3 | tỷ đồng | 3259 | -1532 | -1727 |
Tuần 21-25/3 | -2025 | -473 | 2498 | |
Tuần 28/3-1/4 | -1271 | 455 | 816 | |
Tuần 4-8/4 | 1750 | -748 | -1001 |
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DXG (Đất Xanh) và ACB (Ngân hàng Á Châu) bị nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất với giá trị 252 tỷ và 218 tỷ đồng.
Với việc mua ròng trở lại tuần này, dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đóng vai trò đối ứng với xu hướng rút ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước (bao gồm cả tự doanh các công ty chứng khoán).
Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 1.001 tỷ đồng tuần qua, trong khi nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 748 tỷ.
Trái ngược với giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, cổ phiếu bị các tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất tuần này là VPB với giá trị 336 tỷ đồng. Theo sau là chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 187 tỷ và MSN (Masan); VIC; DGC (Hóa chất Đức Giang); VNM (Vinamilk); FLC với giá trị bán ròng đều trên 100 tỷ đồng.
Ngược lại, HPG (Hòa Phát); ACB và DXG là bộ 3 cổ phiếu được nhóm nhà đầu tư này mua ròng mạnh nhất với 322 tỷ; 218 tỷ và 150 tỷ đồng.
Ở khối ngoại, cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là VHM với giá trị 292 tỷ đồng. Theo sau là HPG với 223 tỷ và chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 với 141 tỷ đồng. Trong khi đó, NVL (Novaland) được khối này mua ròng mạnh nhất với 136 tỷ đồng.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết trong tháng 3 vừa qua, đã có 270.011 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước, mức cao nhất từ trước đến nay.
Con số này cao hơn 43.600 tài khoản so với kỷ lục cũ hồi tháng 12/2021 với 226.390 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới.
Tính chung cả 3 tháng đầu năm nay, các cá nhân trong nước đã mở mới 675.081 tài khoản giao dịch chứng khoán, gấp 2,6 lần cùng kỳ.
Ngoài ra, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước tháng 3 cũng là 206 tài khoản, nhà đầu tư nước ngoài là 419 tài khoản. Như vậy, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 3 đã đạt gần 4,99 triệu tài khoản, tương đương gần 5% dân số Việt Nam.