Bộ Tài chính cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã phát triển nhanh để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh đã phát sinh những rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường và đặt ra yêu cầu cần được quản lý, giám sát chặt chẽ.
Cơ quan quản lý chứng khoán cho biết sau 1 năm triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn, thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới. Vì vậy, các quy định cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.
Thắt chặt điều kiện phát hành
Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020 theo hướng tăng tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh từ phát hành trái phiếu. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.
Hiện, Bộ này đang đề xuất một loạt chính sách mới liên quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, các đề xuất chủ yếu mang hướng thắt chặt điều kiện với doanh nghiệp phát hành
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu tăng điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.
Bộ Tài chính sẽ thắt chặt hơn điều kiện để doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, cơ quan quản lý này cũng đề xuất quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch; bổ sung quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đặc biệt, cơ quan quản lý đang xây dựng để bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng) nhằm chấn chỉnh các tổ chức này và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.
Trong vụ việc Ủy ban Chứng khoán hủy bỏ 9 lô trái phiếu của nhóm công ty thuộc Tân Hoàng Minh vừa qua, các công ty chứng khoán, ngân hàng cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu đều cho biết chỉ đứng vai trò cung cấp dịch vụ và không chịu trách nhiệm về những thông tin doanh nghiệp phát hành công bố trong hồ sơ.
Mất tiền khi mua “chui” trái phiếu
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết thị trường đang có dấu hiệu phát triển nóng, vì vậy, Bộ đã liên tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ.
Thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại 2 doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group, đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS.
Trong sự kiện hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu, tổng trị giá 10.030 tỷ đồng, của nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán kiểm tra các tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán trái phiếu này, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Qua sự kiện này, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nhà đầu tư cần lưu ý việc các ngân hàng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.
Nhà đầu tư có thể mất toàn bộ tiền đầu tư nếu mua "chui" trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trường hợp mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư là không có căn cứ pháp lý theo quy định, nhà đầu tư sẽ không phải chủ sở hữu trái phiếu và không có quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra, Bộ Tài chính nhấn mạnh quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn vi phạm pháp luật.
Cơ quan quản lý sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.
Với các doanh nghiệp huy động trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng cảnh báo các doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ, Bộ yêu cầu tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư, đảm bảo tư vấn để doanh nghiệp phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu
Việc tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử phạt nghiêm.