Ohmae Kenichi, Dương Văn, Kubota Kayoko là những chuyên gia giáo dục, đồng thời là những ông bố, bà mẹ thành công trong việc nuôi dạy con, đã viết những cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con trai của họ.
Tự nảy mầm, tự vươn lên
Tự nảy mầm tự vươn lên là cuốn sách viết về giáo dục gia đình của Ohmae Kenichi, một người Nhật thành công cả trong sự nghiệp lẫn trách nhiệm làm cha.
Sách Tự nảy mầm, tự vươn lên. |
Xuất phát từ thực tiễn xã hội, tác giả không đặt trọng trách nhiệm giáo dục con vào nhà trường. Ông cho rằng nhà trường “chỉ biết cho trẻ học thuộc lòng những gì được viết sẵn trong sách giáo khoa, đào tạo nên những con người thụ động ngoan ngoãn vâng lời không biết phản kháng”.
Tác giả đưa ra một quan điểm gây “sốc” khi cho rằng: “Trẻ càng giỏi ở trường, tương lai càng đáng lo”. Ông giải thích cụ thể hơn: “Thành tích học tập của con có kém, thì các bậc cha mẹ cũng không cần phải ca thán. Ngược lại, đối tượng cần phải lo lắng chính là những học sinh được nhà trường đánh giá là ưu tú. Nói một cách khác, nếu bạn tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, bạn có thể nghĩ đến một bi kịch ở tương lai”.
Vì vậy, hai người con trai ông, những người có cá tính mạnh mẽ, được ông chấp nhận cho bỏ học và sớm có cuộc sống tự lập. Và sự thành công của hai người con người với việc có cho mình công ty riêng, sự nghiệp riêng là căn cứ “thực chứng” chứng minh cho sự hợp lý trong tư duy giáo dục gia đình của Ohmae Kenichi.
Bên cạnh tư tưởng quyết đoán mạnh mẽ, dám “một mình chống lại cả xã hội”, ông cũng là người kiên trì bảo vệ các giá trị truyền thống như hạnh phúc gia đình. Để gìn giữ, vun đắp hạnh phúc gia đình, tránh làm cho gia đình đổ vỡ gây ảnh hưởng xấu đến các con, bản thân ông dù bận rộn vẫn cố gắng dành thời gian cho gia đình.
Cuốn sách không chỉ mang đến cái nhìn thực tế về giáo dục, tầm quan trọng của việc để con trẻ “tự nảy mầm, tự vươn lên” mà còn thể hiện tình yêu thương và trách nhiệm trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ với chồng. Đó là nền tảng cho sự trưởng thành và thành công của con.
Mẹ luôn đồng hành cùng con
Mẹ luôn đồng hành cùng con là câu chuyện về một bà mẹ hơn 20 năm cùng con học tập từ những điều nhỏ nhất đến khi con trở thành tiến sĩ trường Đại học Cambridge và mẹ trở thành một “nhà giáo dục kiệt xuất”.
Tác giả Dương Văn không theo phương pháp giáo dục rập khuôn, mà tùy cơ ứng biến với những thay đổi tâm sinh lý của con. |
Hành trình trưởng thành này của tác giả Dương Văn và cậu con trai Hạ Dương có được là dựa trên tư tưởng xuyên suốt về giáo dục gia đình -phương pháp giáo dục hướng đến đào tạo con trẻ trở thành một người có sức khỏe, có tâm lý lành mạnh và có khả năng thích nghi tốt với xã hội.
Không đi theo lối giáo dục rập khuôn mà tùy cơ ứng biến với những thay đổi tâm, sinh lý của con là quá trình giáo dục khoa học, thúc đẩy sự trưởng thành về tinh thần của con trẻ một cách vui vẻ, âm thầm dẫn dắt con vào kho tàng văn hóa tinh thần của nhân loại.
Đặc biệt, cuốn sách nhấn mạnh sức ảnh hưởng to lớn của cha mẹ đối với trẻ trong quá trình trưởng thành. “Trong quá trình này, rất nhiều kiến thức, khả năng, trí tuệ hay tính cách, phẩm chất đạo đức, tác phong và khuynh hướng của trẻ đều được hình thành dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ”.
Hơn tất cả, tình yêu của cha mẹ là động lực cho những nỗ lực tìm ra cách nuôi dạy con tốt nhất. Tuy nhiên, cha mẹ không nên dành hết toàn bộ tình yêu cho con, bao bọc con quá mức. Đôi khi, cha mẹ cần giấu đi một nửa tình yêu của mình, để con va vấp với cuộc sống, dần dần tiếp xúc với những khó khăn mà sau này trẻ sẽ gặp phải.
Phương pháp nuôi dạy con trai kiểu Kubota
Từ kinh nghiệm thực tiễn nuôi dạy trẻ của mình và quan điểm của chồng - một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về não, bà Kubota Kayoko đã đưa ra "Phương pháp giáo dục trẻ em kiểu Kubota”.
Kubota nổi tiếng với những cuốn sách về nuôi dạy con. Ở cuốn sách này, tác giả cùng chồng đưa ra phương pháp nuôi dạy con trai. |
Cũng cùng quan điểm của tác giả cuốn sách Tự nảy mầm, tự vươn lên, bà Kubota Kayoko cho rằng, việc nuôi dạy con trai trở thành người thông minh là đương nhiên, nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ dạy con thành đứa trẻ có thành tích tốt ở trường. Quan điểm đó được bà đưa vào cuốn Phương pháp nuôi dạy con trai.
Cuốn sách bao gồm 7 chương, là những chú ý trong việc nuôi dạy con trai dựa trên các mức độ trưởng thành của trẻ. Những chú ý này được sắp xếp theo thứ tự từ các hoạt động liên quan đến thể chất, tư duy và cảm xúc. Từ cách vận động đi, đứng, ngã đến rèn luyện các giác quan, cách tư duy đến ý thức về cái đẹp, sự yêu ghét, buồn chán sự nhẫn tâm và nhân hậu.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn tập hợp một số bài giảng của chuyên gia não học nổi tiếng Kubota Kisou - chồng bà Kubota Kayoko - đồng tác giả cuốn sách này. Kiến thức về các hoạt động nuôi dưỡng não là những bài học vô cùng bổ ích cho các bậc phụ huynh.