AP mô tả có lẽ không đâu trên thế giới mà sự bất bình đẳng giàu - nghèo lại thể hiện rõ rệt như tại khu dân cư Sandton và Alexandra ở ngoại ô thành phố Johannesburg, Nam Phi.
Những tòa nhà chọc trời với cửa kính phản chiếu và những bất động sản sang trọng khiến Sandton trở thành nơi giàu có nhất cả châu Phi nếu tính theo km2. Trong khi đó, Alexandra, nơi Nelson Mandela từng ở, là khu dân cư chật chội, thiếu vệ sinh và đầy tội phạm. Mỗi ngày, nhiều cư dân ở đây băng qua cây cầu trên đường cao tốc để vào Sandton làm việc.
Những cuộc biểu tình đầy giận dữ đã nổ ra tại Alexandra vào tháng trước, một phần vì cuộc bầu cử diễn ra ngày 8/5 nhưng phần lớn là sự bày tỏ nỗi tức giận trước việc Nam Phi, 25 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid chấm dứt, vẫn là đất nước với khoảng cách xa vời vợi giữa người giàu và người nghèo.
Khu ổ chuột Alexandra (ở phía trước) và phần nền là những tòa nhà chọc trời của khu Sandton. Ảnh: AP. |
Người da trắng vẫn nắm của cải và quyền lực
AP cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong 56 triệu dân Nam Phi đã vượt ngưỡng 25%. Biểu tình với đốt lốp xe nổ ra gần như hàng ngày, phản đối sự thiếu thốn những dịch vụ cơ bản nhất như nhà vệ sinh sạch cho những khu dân cư của người da đen. Người da trắng vẫn nắm giữ hầu hết của cải và quyền lực, trong khi người da đen cắt cỏ và lau dọn nhà cửa cho những người da trắng, AP miêu tả.
"Chúng tôi hầu như không tìm được người da trắng nào sống dưới mức trung bình", hai tác giả Fazila Farouk và Murray Leibbrandt của Đơn vị Nghiên cứu Lao động và Phát triển Nam Phi, Đại học Capetown, viết trong nghiên cứu hồi năm 2018. "Trên thực tế, những người da trắng đã cải thiện địa vị kinh tế của họ, một cách khá dễ dàng, ở đất nước Nam Phi thời hậu-Apartheid vì nền kinh tế của chúng ta đã chia phần lớn tổng thu nhập quốc gia cho 10% người giàu nhất".
10% số người giàu nhất Nam Phi nắm giữ 71% tổng lượng của cải của đất nước, trong khi nhóm 60% người nghèo nhất chỉ sở hữu vỏn vẹn 7% tài sản. Đây là số liệu cao hơn đáng kể so với trung bình của thế giới.
Nhóm người da đen có tỷ lệ đói nghèo cao nhất tại Nam Phi, tiếp đến là nhóm người "da màu", thuật ngữ được chấp nhận và sử dụng rộng rãi tại nước này để miêu tả những người lai đa chủng tộc. Người da trắng chiếm đa số trong nhóm 5% những người giàu nhất Nam Phi.
Một nửa dân số Nam Phi sống trong những hộ gia đình có thu nhập dưới 90 USD/tháng, với rất ít cơ hội thay đổi số phận của mình dù đã lao động vất vả trong các ngành nghề như giúp việc hoặc bảo vệ.
"Nói trắng ra là họ mắc kẹt", các tác giả của báo cáo kết luận.
Thembeni Manana, nhà hoạt động làm việc với Phòng Thương mại vùng Alexandra Mở rộng, miêu tả cảm giác của những cư dân Alexandra khi họ băng qua cây cầu vượt để vào Sandton.
"Không khí ở đó trong lành, bạn có thể thề rằng họ có máy điều hòa lắp ở ngoài trường", Manana nói. "Khi bạn trở về Alex(andra), ồ! Một mùi kinh tởm! Cống rãnh tràn ra, chuột ở khắp đường!".
Trẻ em chơi đùa trên những đường phố của Alexandra. Ảnh: AP. |
Nhà hoạt động 28 tuổi tham gia tổ chức các cuộc biểu tình tháng trước. Cô nói rằng việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo không chỉ là việc kết nối Alexandra, với lưới điện chập chờn, và Sandton với những tòa nhà luôn sáng đèn.
"Chúng tôi muốn thách thức hệ thống này", cô nói.
Cô đưa ra danh sách các yêu cầu: Trường học tại Alexandra nên có tỷ lệ 30 học sinh trên một giáo viên, thay vì 70 như hiện tại. Các tiệm bán thức ăn nên được phép cung ứng cho các siêu thị ăn uống, cho phép người dân tiếp cận nền kinh tế ở quy mô lớn hơn. Trẻ em nên được lớn lên cùng cha mẹ trong những căn nhà có hơn một phòng, tức cho phép chúng có không gian riêng tư.
Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng Nam Phi là quốc gia bất bình đẳng nhất trên toàn cầu, điều mà cựu tổng thống F.W. de Klerk, người từng đạt giải Nobel Hòa bình, nói là "nỗi xấu hổ lớn nhất của quốc gia".
Tổng thống đương nhiệm Cyril Ramaphosa, người từng làm việc dưới Nelson Mandela, cũng thừa nhận việc này.
"Đất nước của chúng ta vẫn bất bình đẳng sâu sắc", ông nói tháng trước trong sự kiện kỷ niệm 25 năm ngày kết thúc chế độ Apartheid.
Trong bức ảnh trên chụp tại thành phố Johannesburg, ở bên trái là khu dân cư Bloubusrand, nơi sinh sống của những gia đình trung lưu với nhà lớn và những hồ bơi, bên phải là khu nhà tạm Kya Sands. Ảnh: Getty. |
Người dân "mệt mỏi vì đi bầu"
Sự phân biệt giàu nghèo ở Nam Phi nguy hiểm không chỉ bởi vấn đề thu nhập, nó còn đe dọa các giá trị dân chủ. Theo Aroop Chatterjee của Trung tâm phía Nam về Nghiên cứu Bất Bình đẳng thuộc Đại học Witwatersrand, những chính sách như thuế dành cho người giàu không làm thay đổi các mối quan hệ xã hội đang tạo ra bất bình đẳng.
Nhiều cử tri tin rằng đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đã "lạc lối" sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên của thời hậu-Apartheid vào năm 1994. Niềm tin đó đang đe dọa sự nắm quyền gần như tuyệt đối của ANC hiện nay.
Năm 2018, các cáo buộc tham nhũng đã khiến Tổng thống Jacob Zuma từ chức và làm chao đảo ANC. Nhiều người tin rằng ANC đã không thể đảm đương nổi di sản chống lại chế độ phân biệt chủng tộc mà họ từng gầy dựng nên.
Trong lúc nội bộ đảng cầm quyền đang chia rẽ trước tuyên bố chống tham nhũng của Tổng thống Ramaphosa, sự bất bình trong công chúng ngày một tăng và phong trào dân túy cũng trỗi dậy.
Người dân xếp hàng chờ đi bầu của ở Nam Phi ngày 8/5. Ảnh: Reuters. |
Những nỗi bất bình như ở Alexandra không phải là cá biệt, và cuộc bầu cử ngày 8/5 sẽ phản chiếu những yêu cầu thay đổi này.
Nam Phi từng nổi tiếng bởi cảnh tượng những hàng dài cử tri trong cuộc bầu cử đầu tiên thời hậu-Apartheid, nhưng cử tri giờ đây đã hững hờ hơn nhiều.
"Tôi nghĩ mọi người đã mệt với việc đi bầu", Manana nói.
"Họ nhận ra bản chất của các đảng phái chính trị. Họ chỉ ở đó trong kỳ bầu cử, rồi lại biến mất cho đến kỳ bầu cử tiếp theo", cô nói.