CNN nhận xét tại Nam Phi, sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo có thể thấy từ trên trời. Trong bức ảnh bên dưới chụp tại thành phố Bloubusrand, ở bên trái là khu dân cư Bloubusrand, nơi sinh sống của những gia đình trung lưu với nhà lớn và những hồ bơi, bên phải là khu nhà tạm Kya Sands.
Theo Báo cáo về bất bình đẳng và đói nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB), 25 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid chấm dứt, Nam Phi hiện là quốc gia có tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo cao nhất thế giới, một số lĩnh vực thậm chí còn tồi tệ hơn dưới thời Apartheid, CNN cho biết.
Cụ thể, 10% số người giàu nhất Nam Phi nắm giữ 71% tổng lượng của cải của đất nước, trong khi nhóm 60% người nghèo nhất chỉ sở hữu vỏn vẹn 7% tài sản. Đây là số liệu cao hơn đáng kể so với trung bình của thế giới.
Hình ảnh về khu vực nhà ở của người giàu (trái) và người nghèo (phải) nằm liền nhau tại Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Getty. |
Nhóm người da đen có tỷ lệ đói nghèo cao nhất tại Nam Phi, tiếp đến là nhóm người "da màu", thuật ngữ được chấp nhận và sử dụng rộng rãi tại nước này để miêu tả những người lai đa chủng tộc. Người da trắng chiếm đa số trong nhóm 5% những người giàu nhất Nam Phi.
Theo thống kê, thu nhập trung bình của người da trắng và người gốc Á, chiếm tổng cộng 15% dân số, là 10.000 USD/năm. Con số này cao gấp 3 lần so với thu nhập của người da đen và da màu khác, chiếm 86% dân số trên toàn Nam Phi.
"Tình trạng bất bình đẳng càng trở nên trầm trọng hơn do những thất bại mang tính hệ thống ở cấp chính phủ", Mthandazo Ndlovu, quản lý tổ chức phi chính phủ Oxfarm Nam Phi, nhận xét.
Hình ảnh một khu ổ chuột ở Cape Town. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội nhận định chính phủ Nam Phi đã nỗ lực tạo điều kiện cho người dân tham gia nền kinh tế và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Thực tế, cơ sở hạ tầng điện, nước, giáo dục, y tế đã phát triển đáng kể trong 25 năm qua.
Tuy nhiên, chỉ một bộ phận nhỏ người giàu được hưởng lợi, trong khi đa phần người nghèo gặp khó khăn để trang trải chi phí sinh hoạt và chi trả cho các dịch vụ thiết yếu.
"Rõ ràng là (tình trạng bất bình đẳng) sẽ không sớm thay đổi, nó là hệ quả từ cách vận hành của cả đất nước", Murray Leibbrandt, giáo sư kinh tế từ Đại học Cape Town, nhận xét.