Theo Reuters, các phóng viên đến từ AP, CNN, CBS, Russia Today và các kênh truyền thông của chính phủ Trung Quốc đã làm thủ tục tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh vào sáng sớm 22/5. Chuyến bay đến Bình Nhưỡng của hãng Air Koryo, hãng hàng không duy nhất của Triều Tiên, dự kiến khởi hành vào lúc 9h48.
Phóng viên CNN Will Ripley làm thủ tục tại sân bay. Ảnh: Reuters. |
Triều Tiên đang tăng cường chuẩn bị kế hoạch tiếp đón các phóng viên quốc tế. Theo hình ảnh vệ tinh của Mỹ ngày 20/5, Triều Tiên đang xây dựng đài quan sát để phục vụ cho quá trình tác nghiệp của các kênh truyền thông được mời đến chứng kiến sự kiện Bình Nhưỡng đóng bãi thử hạt nhân.
"Ông Kim nói sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân vào tháng 5 và sẽ sớm gửi lời mời các chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ tới tham dự nhằm chứng minh sự minh bạch với cộng đồng quốc tế", AFP dẫn lời phát biểu của ông Yoo Young Chan, phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, thông báo vào ngày 29/4.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chỉ mời một số cơ quan truyền thông quốc tế chứ không mời các chuyên gia kỹ thuật, dù Mỹ kêu gọi sự kiện đóng bãi thử này "phải hoàn chỉnh, không thể đảo ngược, cần được thị sát và kiểm chứng đầy đủ".
Tháp làm lạnh của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên bị phá huỷ theo thoả thuận năm 2007. Ảnh: Reuters. |
Quá trình đóng bãi thử hạt nhân Punggye-ri sẽ được tiến hành từ ngày 23 đến 25/5. Việc đóng bãi thử này được cho là một động thái tích cực từ phía Bình Nhưỡng trước cuộc gặp cấp cao giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Tổng thống Trump đã cảm ơn Bình Nhưỡng và gọi đây là một nghĩa cử "sáng suốt và lịch thiệp" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, trước động thái đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo từ phía Triều Tiên ngày 16/5, nhiều chuyên gia tỏ ra ngờ vực tương lai của thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.