Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà báo Phan Đăng viết về bóng đá qua những phận người

Tập sách “Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi” mới ra mắt không chỉ thể hiện bức tranh sinh động làng bóng Việt, mà còn là câu chuyện, quan điểm làm nghề của tác giả.

- Được nhiều người biết tới với vai trò một bình luận viên bóng đá, vì sao cuốn sách của anh không phải là một tập hợp các bài bình luận, mà lại viết về những chân dung?

- Tôi nhìn bóng đá dưới góc độ con người. Thể loại ký chân dung đáp ứng được các thể nghiệm khi viết về số phận.

Trên thế giới, các nhà báo viết về số phận, thân phận con người rất nhiều. Cũng có những số phận cầu thủ đáng để viết. Ví dụ có cầu thủ vô địch thế giới, cầm chiếc cup vô địch, nhưng rồi sau này nghèo khó phải bán cả huy chương để sinh tồn. Ở Việt Nam, người viết xoáy vào số phận cầu thủ cũng không hiếm.

Tôi là lớp hậu sinh đi sau khi viết về số phận các cầu thủ. Có rất nhiều người đụng chạm đến vấn đề mình làm, mỗi người có một góc nhìn, giọng văn khác nhau, nên số phận hiện lên trang sáchcũng không giống nhau.

Phan Dang,  Sach ve bong da anh 1
Sách Ơ kìa, làng báo trong mắt tôi.

- Làng bóng Việt thể hiện như thế nào qua các chân dung của anh?

- Mỗi bài viết của tôi là một số phận, mỗi số phận một câu chuyện khác nhau. Nếu bạn đọc về ông Nguyễn Văn Vinh, bạn sẽ thấy lúc nào ông cũng khát khao một thứ bóng đá sạch. Nhưng ông lại sống trong thời “cả làng ăn gian, thằng nào không ăn gian thằng ấy dại”. Thế nên ông cầm đội nào thì đội ấy xuống hạng. Đó là một con người bóng đá nhưng nó gợi số phận, tính cách ngoài bóng đá.

Hay chuyện trọng tài Dương Mạnh Hùng đoạt giải Còi vàng Quốc gia. Anh là người hiếm hoi trả lại phong bì mà người ta tặng mình. Kể từ đó anh bị nhiều người ghét, đồng nghiệp ruồng bỏ.

Hoặc câu chuyện của Trần Minh Chiến nổi lên như một ngôi sao trên bầu trời bóng đá khi 22 tuổi. Nhưng anh bị chấn thương đầu gối, mổ đi mổ lại nhiều lần mà không được. Anh đã khóc rất nhiều nhưng nước mắt không cứu được anh ấy. Anh phải chấm dứt giấc mơ cầu thủ.

Đằng sau câu chuyện của những nhân vật làng bóng là một số phận. Tôi muốn mọi người đọc cuốn sách này là đọc số phận cầu thủ, chứ không chỉ là khám phá quả bóng có bao nhiêu múi, chiến thuật, tỷ số trận đấu…

- Anh thực hiện cuốn sách trong thời gian nào?

- Từ khi làm báo tới nay, tôi đã viết hàng trăm hàng ngàn bài viết khác nhau. Khi tập hợp trong cuốn sách, thì tôi chọn những chân dung này. Các bài viết được lựa chọn theo tiêu chí nhân vật có số phận, dấu ấn đặc biệt, hoặc họ có những câu chuyện nổi bật của láng bóng đá.

- 50 chân dung này đã tạo bức tranh hoàn thiện về làng bóng?

- Đây chưa phải là bức tranh hoàn thiện về làng bóng Việt. Vì mỗi một nhà báo bằng kinh nghiệm, năng lực riêng chỉ phán ánh hay một góc nào đó thôi. Với cuốn sách này, tôi không có tham vọng viết về làng bóng, mà chỉ đưa ra góc nhìn qua mắt mình. Ở đó, có thể mình có những sai lầm, thiếu sót. Nếu có sai lầm thì mong bạn đọc bỏ qua cho.

- Ngoài phần chính là 50 chân dung nhân vật, tại sao ở phần hai cuốn sách, anh chỉ chọn 3 nốt thăng của làng bóng?

- Trong vòng 20 năm, đó là ba điểm chói mà người ta nhớ về bóng đá Việt Nam. Ba khoảnh khắc đẹp theo tôi là Tứ kế Asian Cup 2007, vô địch AFF Suzuki Cup 2008, đội tuyển futsal đi World Cup.

- Đưa vào ba điểm sáng, chắc anh cũng “bắt bệnh” làng bóng trong sách?

- Điểm yếu của làng bóng tôi có đưa vào chương “Những nốt lặng” trong sách. Đó là vấn đề thể lực, bán độ, vấn đề tâm lý, cầu thủ ngoại nhập tịch và thiếu người tầm vóc.

Phan Dang,  Sach ve bong da anh 2
Tác giả Phan Đăng (trái) và bình luận viên Đình Khải. Ảnh: Thu Ngà

- Là người viết, bình luận được không ít người hâm mộ bóng đá yêu thích, anh thấy nghề của mình có vinh quang gì?

- Thật ra tôi chỉ là một người viết bình thường. Tôi yêu chữ nghĩa, yêu bóng đá thôi chứ không có vinh quang gì. Khi hai tình yêu đó gặp nhau thì tôi trở thành người viết về bóng đá, công việc ấy thỏa mãn đam mê. Tôi chỉ có thể nói tôi là người viết khiêm nhường. Quá trình hành nghề 10 năm cũng đầy sai sót.

- Tại sao mùa Euro 2016 năm nay anh “im hơi lặng tiếng”, không bình luận bóng đá mà chọn cách ra mắt cuốn sách này?

- Năm nay kỷ niệm 10 năm làm báo. Thật ra tôi viết bài báo về bóng đá đầu tiên từ năm 2003, khi còn là sinh viên năm thứ hai đại học. Từ 2006 tôi ra trường và đi làm nghề, cho tới nay là 10 năm. Có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên nhưng cũng là cuối cùng của tôi về bóng đá.

Viết về bóng đá đã cho tôi rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó tôi có những niềm yêu thích, công việc khác. Thời gian gần đây tôi viết về văn hóa xã hội nhiều hơn là bóng đá.

- Phải chăng tình yêu bóng đá trong anh lúc này đã giảm nhiệt?

- Đã là tình yêu thì nó có lúc thăng, lúc trầm, nhưng không bỏ được. Tôi vẫn viết báo về bóng đá chứ không bỏ. Chỉ có điều sách về bóng đá thì tôi không viết nữa. Vì tôi cũng có những lịch vực khác quan tâm. Ví dụ tôi làm series Trò chuyện cuối tháng, viết về chính khách, nhà thơ… với những suy tư đa chiều.

 

Ba triết lý làm nghề của Phan Đăng:

1. Viết bóng đá qua thân phận con người.

2. Đôi khi quả bóng có thể nói được chuyện gần, chuyện xa.

3. Quyết không nhận phong bì của các ông bầu và những người có tiềnđể bẻ cong ngòi bút.

Nhà thơ Hữu Việt: Đây là cuốn sách độc đáo về bóng đá Việt. Sách điểm danh những nhân vật, sự kiện có thể đã trôi. Phan Đăng như người chép sử của môn thể thao vua, mà chúng ta ví “sân bóng như cuộc đời”. Chính vì vậy đây không chỉ là cuốn sách về bóng đá nữa, mà còn về cuộc sống.

Nhà báo Vũ Công Lập: Khi Phan Đăng nói anh sẽ làm một cuốn sách về bóng đá, tôi không ngờ mình sẽ đọc cuốn sách đó nhiều lần như thế. Sách cho chúng ta biết những khuôn mặt ở làng với người già nhất là Nguyễn Thành Vinh, trẻ nhất là Quế Ngọc Hải… Nhưng Phan Đăng không chỉ dừng lại trong “ao làng”. Anh dẫn chúng ta ra đấu trường quốc tế ở phần hai. Cho đến phần ba anh vạch ra những điểm yếu, mạnh của làng, để làng lớn mạnh hơn.




Việt Hà

Bạn có thể quan tâm