Nhà băng lo khó tăng trưởng tín dụng 12%
Các nhà băng đã cởi mở hơn với việc cho vay các gói cho vay tiêu dùng, tín chấp, bất động sản để kích thích tăng trưởng tín dụng. Song hạn mức của một số đơn vị khá xa với mục tiêu chung 12%.
Tính vay tiền mua ôtô tại một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM, anh Nguyễn Quân, một khách hàng ở Hà Nội cho biết, thủ tục cũng như các hướng dẫn từ nhân viên tương đối rõ ràng. “Có cảm giác nhân viên tín dụng cũng cởi mở nhiệt tình hơn so với trước, bên cạnh lãi suất ưu đãi. Cách đây khoảng hơn 1 năm, hỏi vay tiêu dùng không dễ như bây giờ”, anh Quân chia sẻ. Cởi mở hơn với khách hàng cá nhân cũng là diễn biến diễn ra tại nhiều nhà băng trong vòng vài tháng trở lại đây. Những gói sản phẩm thiết kế riêng cho cá nhân vay tiêu dùng mua sắm đồ đạc, phương tiện đi lại, xây sửa nhà cũng được áp dụng triệt để nhằm kích tín dụng tăng.
Đến nay, chỉ duy nhất Sacombank có con số tăng trưởng cho vay khả quan, cao gấp gần 4 lần so với mức hơn 4,5% toàn ngành sau 6 tháng. 11% tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của nhà băng này được cho là nhân tố chính khiến Sacombank đạt lợi nhuận hơn 1.400 tỷ đồng, thực hiện được 52% mục tiêu đề ra cho cả năm. Ở động thái khác, Sacombank đã xin nới room lên 20% cho năm 2013 và được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y. Phó tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Gia Định cho biết, những khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ người dân, tiêu dùng chiếm hơn 50% tổng dư nợ ngân hàng.
Không ít nhà băng thừa nhận, khi 6 tháng đã trôi qua, tăng trưởng cho vay vẫn ì ạch, nơi dậm chân tại chỗ, có nơi thậm chí vẫn âm ngay cả những đơn vị lớn. Kế hoạch lợi nhuận 2 quý đầu năm của Vietcombank chỉ đạt 45% mục tiêu cả năm do không tăng trưởng cho vay được. Theo dự báo của giới phân tích, với tình hình như vậy, nhiều khả năng, mục tiêu lợi nhuận cả năm của nhà băng này có thể không đạt 100%.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra cho cả năm là 12%, song không dễ để tất cả các ngân hàng cùng đạt được, ngay cả với những đơn vị có mức tăng ấn tượng trong năm 2012. Ảnh: Lan Anh. |
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội có mức tăng tín dụng năm 2012 lên tới hơn 20% thì ngậm ngùi, đến hiện tại, số liệu tăng trưởng cho vay ở ngân hàng ông khá “làng nhàng”, song cũng kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm 2013.
Từ chối chia sẻ về những biện pháp nhằm cải thiện số liệu tăng tín dụng từ nay đến cuối năm, lãnh đạo này nói rằng, mức tăng trưởng cao sẽ là áp lực, khi nền kinh tế vẫn còn khó khăn, sản xuất chưa được cải thiện và doanh nghiệp chưa mặn mà vay vốn. Năm ngoái, nhà băng này được giao chỉ tiêu 17%, song đến gần cuối năm xin nới room lên xấp xỉ 30%, được “duyệt” 27% và con số tăng trưởng thực đạt trên 20% - tương đối khả quan cho với mức trên 8% toàn hệ thống. Song năm nay, theo ông này, khả năng đạt trên 20% là chưa thể nói trước.
Khó khăn trong tăng trưởng cho vay đang bao trùm lên không ít đơn vị, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn "thúc" tăng ổn định để đạt mục tiêu chung 12% cho cả năm 2013. Chỉ thị 03 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới ban hành nêu rõ, các ngân hàng cần có giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 12%. Đây cũng là định hướng đề ra từ đầu năm, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế. Song đồng thời, đối với các ngân hàng đang bị ách dòng tín dụng, đó cũng là áp lực lớn: hoặc tăng trưởng đạt chỉ tiêu, hoặc vượt chỉ tiêu để đạt lợi nhuận cao nhưng quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố an toàn.
Nhận định về khả năng tín dụng đạt mức 12% toàn hệ thống năm 2013, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, với những gì đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm và diễn biến dự báo nửa cuối năm, khả năng, mức tăng tín dụng thực tế chỉ tương đương năm 2012, khoảng 8%. Còn nếu xét riêng 6 tháng cuối năm, chuyên gia này cho rằng, khả năng tăng trưởng cho vay sẽ nhỉnh hơn chút đỉnh so với cùng kỳ 2012. Tuy vậy, yếu tố cần lưu ý là phương pháp thống kê, vì số liệu về tăng trưởng như thế nào cũng phụ thuộc khá nhiều vào việc thống kê ra sao và cách tính như thế nào.
Ông phân tích, bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, nhu cầu tín dụng chưa tăng. Mặt khác, thị trường hiện tại không nằm ở phía cung, mà đang nằm ở phía cầu, khác hoàn toàn so với trước đây, cầu tín dụng lớn hơn cung rất nhiều. Nếu như cầu lớn hơn cung, Chính phủ có thể điều tiết tác động đến cung được, nhưng khi cầu chỉ khoảng 3-5% như hiện tại, việc tăng cung không đơn giản. "Xét bối cảnh hiện nay, ngay cả khi cung tín dụng rẻ (không đơn giản), dòng vốn lại chảy vào những chỗ khác chứ không phải là tín dụng thực phản ánh sự tiêu thụ vốn của nền kinh tế", ông Thành nêu ý kiến.
Lan Anh
Theo Infonet