Nhà băng dè dặt đặt mục tiêu tín dụng
Thay vì rầm rộ công bố chỉ tiêu tín dụng như năm 2012, nhiều ngân hàng rất dè dặt dù được "bật đèn xanh" cho 2 mảng chứng khoán, bất động sản.
Năm 2013, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng chung là 10-12%. Về số liệu riêng, đến thời điểm này, cũng đã có những đơn vị đầu tiên công bố “room” tín dụng. Hai tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống vẫn âm 0,16% so với cuối 2012. Tuy nhiên, phản ứng chung của các ngân hàng là khá dè dặt, thay vì rầm rộ “bắn tin” như năm trước.
Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 14-15% năm nay, thấp hơn kế hoạch năm 2012 là 17%/năm. Một số ngân hàng năm ngoái nằm trong nhóm một (mức trần 17%) cũng đặt mục trong năm 2013 thấp hơn; còn phần lớn chưa công bố.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 đặt ra cho ngành ngân hàng là 10-12%, nhưng đến nay, hầu như chưa có nhiều đơn vị công bố chỉ tiêu này. Ảnh: Lan Anh. |
Tại ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Hưởng cho biết, dự kiến, năm 2013, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này là 12%. Đây là mức cao nhất, tương đương với nhóm 1 được tăng trưởng tối đa 17% của năm 2012, phù hợp với mục tiêu chung toàn ngành là 12% như Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo. “Ngay cả khi được ‘nới’ cho vay với chứng khoán, bất động sản, nhiều nhà băng cũng vẫn dè dặt”, ông này nhận xét.
Trao đổi với phóng viên, ông Hưởng nói, có thể sẽ có ngân hàng không đạt được tăng trưởng như được “cấp” do không dám cho vay ồ ạt và chỉ tập trung thu hồi nợ cũ. Ông cũng chia sẻ, nếu 6 tháng đầu năm việc tăng trưởng thuận lợi, thì có thể nửa cuối năm, nhiều ngân hàng sẽ xem xét để đặt mục tiêu cao hơn. Còn nếu để nói cá nhân thích tăng trưởng bao nhiêu, thì mức mong muốn của lãnh đạo này là 30%.
Một nguồn tin từ ngân hàng cổ phần ở TP.HCM cũng cho biết, ngay cả khi được nới “room” cho những mảng dễ sinh lời như chứng khoán, bất động sản, song nhà băng này không tự tin để tăng trưởng cao, vì e dè nợ xấu. Năm ngoái, số tiền dồn vào trích lập rủi ro cho nợ xấu của những năm trước đó đã “ăn” khá nhiều vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng, trong đó có đơn vị này. Vì thế, để tránh đi vào “vết xe đổ”, nhà băng nói trên sẵn sàng dè dặt với cho vay, chấp nhận kiếm lợi nhuận từ những mảng dịch vụ khác và chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên dưới 10%.
Thực tế, việc cấp hạn mức tín dụng với ngân hàng được xem là “trò cười” khi mà trong năm 2012, nhiều định hướng về điều hành tín dụng được đưa ra. Đầu tiên là “cấp quota” tín dụng, các ngân hàng ồ ạt giành giật nhau vị trí số một. Đến cuối năm, hàng loạt đơn vị được “nới room” lên tới 30%/năm, trong đó có cả những ngân hàng “không khỏe” càng khiến cho dư luận nghi ngờ. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2012 đạt hơn 8%, trong đó có những ngân hàng lên tới 16% và cũng không ít đơn vị tăng trưởng âm.
Bình luận về động thái dè dặt công bố “room” tín dụng thay vì rầm rộ như các đây một năm của các ngân hàng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho biết, đó là xu hướng tất yếu khi mà các vấn đề của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Những biện pháp giải cứu, hỗ trợ doanh nghiệp chưa cụ thể hóa thành hành động, các vấn đề nội tại như hàng tồn kho, nợ xấu bất động sản chưa giải quyết dứt diểm. Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết kéo dài cũng tạo ra độ trượt về đưa ra các chu trình tín dụng.
Ông Kiêm cũng cho rằng, năm 2013, tín dụng chỉ có thể tăng 10-12% như mục tiêu đề ra nếu như Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được thực hiện và những vấn đề như nợ xấu, tồn kho, bất động sản được giải quyết một cách triệt để. Ngược lại, nếu như những động thái trên không kiên quyết, hiệu quả, thì khả năng tăng tín dụng khá thấp.
Còn theo quan điểm của Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện phó viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CEIM), trong nền kinh tế đang diễn ra tình trạng "thừa tiền, thiếu vốn" khi mà cung tiền vẫn tăng trong khi tín dụng không "ra" được. Để tín dụng "ra" được nền kinh tế, còn phụ thuộc vào các vấn đề xử lý nợ xấu, cải tổ các ngân hàng yếu kém, chính sách tài khóa. Thực tế, 2 tháng đầu năm, tổng cung tăng cao lên tới 3,5% nhưng tín dụng âm, điều kiện kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng thương mại, nội tại ngân hàng có vấn đề... vẫn diễn ra. Do đó, mức tăng trưởng tín dụng sẽ thể hiện ở nửa cuối năm.
Lan Anh
Theo Infonet