Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CEO Eximbank trần tình về tín dụng giảm 15%

Eximbank là ngân hàng thương mại có tín dụng giảm mạnh nhất sau 9 tháng (gần 15%) và lợi nhuận quý III giảm tới 44,4% so với cùng kỳ năm 2011.

CEO Eximbank trần tình về tín dụng giảm 15%

Eximbank là ngân hàng thương mại có tín dụng giảm mạnh nhất sau 9 tháng (gần 15%) và lợi nhuận quý III giảm tới 44,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Eximbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2012. Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế hợp nhất chưa soát xét quý III/2012 của Eximbank giảm mạnh 44,4% so với cùng kỳ 2011. Lợi nhuận trước thuế giảm do tổng thu nhập hoạt động giảm 19,3% và chi phí hoạt động tăng 24%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm 9,4% so với cùng kỳ 2011 và mới hoàn thành 53% kế hoạch năm. Tổng thu nhập hoạt động ba quý đầu năm chỉ tăng 3%, trong khi chi phí hoạt động tăng 29% và chi phí dự phòng tăng 21,8%. Đây cũng là hai yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm của Eximbank tăng 9,4% so với cùng kỳ nhờ tài sản sinh lãi bình quân tăng 23,1% mặc dù tỷ lệ lãi biên (NIM) giảm xuống còn 3,59% từ 4,04% cùng kỳ năm ngoái. Dư nợ cho vay giảm đã khiến thu nhập từ hợp đồng dịch vụ giảm. Thu nhập ngoài lãi của Eximbank chỉ chiếm 2,4% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm. Đặc biệt, tổng dư nợ giảm mạnh xuống 63.675 tỷ đồng (giảm 14,7%), theo HSC là do: ngân hàng giảm cho vay các khách hàng có độ rủi ro cao và một số khoản cho vay đã đáo hạn vào cuối quý III và được cho vay lại ngay vào đầu quý IV.

 

 Ông Trương Văn Phước- Tổng giám đốc Eximbank cho rằng để giải quyết bài toán tín dụng của ngân hàng, Chính phủ cần mở rộng hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp giải quyết hàng tồn kho

Một điểm khác đáng chú ý được HSC phân tích là tổng trạng thái vàng âm với giá trị 4.878 tỷ đồng (tương đương 103.150 lượng) đã đóng góp vào lỗ thuần hợp đồng kinh doanh ngoại hối của Eximbank là 115 tỷ đồng. Trạng thái vàng âm của ngân hàng đã được bảo hiểm thông qua hợp đồng ký với đối tác nước ngoài nên ngân hàng chỉ lỗ nhẹ. HSC đưa ra so sánh: Ngân hàng Á Châu (ACB) có trạng thái vàng âm lớn hơn nhiều Eximbank, là 34.064 tỷ đồng (tương đương 817.865 lượng) tại thời điểm cuối tháng 6/2012, trong đó 23.294 tỷ đồng được bảo hiểm qua các hợp đồng ký với đối tác trong nước. “Tuy nhiên, có vẻ mức độ chắc chắn của các hợp đồng bảo hiểm của ACB thấp hơn nhiều so với của Eximbank nên ACB đã lỗ lớn do trạng thái vàng âm của mình”, HSC nhận định.

Với phân tích trên, dường như Eximbank đã lỗ nhẹ vì vàng. Song, nếu nhìn toàn diện hơn thì có thể không lỗ. Bởi lẽ, nguồn vốn vàng, chuyển đổi từ vàng đã được ngân hàng cho vay để sinh lãi, và nó được hạch toán vào nguồn tín dụng.

“Khó tìm ven”

Cập nhật thông tin công bố chính thức đến thời điểm này, Eximbank là ngân hàng có tăng trưởng tín dụng giảm mạnh nhất với -14,7% tính đến 30/9.2012 so với cuối năm 2011. Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank nói rằng: “Với bối cảnh chung hiện nay, giảm 14,7% là một lựa chọn, thậm chí giảm tới 20%”. Ông cho biết, thời gian qua ngân hàng tập trung thu hồi nợ ở các khoản vay có dấu hiệu rủi ro tăng lên, tổng dư nợ theo đó giảm khá mạnh. Dù ngân hàng vẫn chịu áp lực giải ngân song đã có sự sàng lọc thận trọng hơn, chỉ tập trung cho nhóm các doanh nghiệp ưu tiên có các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi không đề cao việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và liên quan là lợi nhuận. Quan trọng nhất lúc này là chất lượng tín dụng, giảm được nợ xấu. Còn với những khoản vay chất lượng tốt thì sẵn sàng áp lãi suất thấp”, ông Phước nói. Theo báo cáo vừa công bố, nợ xấu của Eximbank (nhóm 3 - 5) là 1.201 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ 1,92%; lượng trích lập dự phòng thêm 200 tỷ đồng, tăng 21,8%, trong 3 quý đầu năm 2012. Từ thực tế ngân hàng mình, ông Phước nêu quan điểm: “Không phải các ngân hàng không muốn đẩy mạnh cho vay ra. Lượng vốn dư thừa là áp lực phải trả chi phí huy động. Nhưng trong bối cảnh chung khó khăn thì cần phải đảm bảo an toàn hơn trong hoạt động”.

Và trước nhận định của một đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa qua, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng cần xem xét một cách toàn diện hơn. Nhận định của đại biểu là chính sách tín dụng đã siết lại khiến các doanh nghiệp điêu đứng. Cụ thể, đầu năm chi tiêu tăng trưởng tín dụng xác định 15 - 17%, giữa năm rút về 10% và nay dự kiến cả năm chỉ được 5%. Trả lời về nhận định này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích là trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, mà đó là chỉ tiêu điều hàng chính sách, căn cứ vào từng thời điểm để dự tính những con số khác nhau. Ngoài ra, ông cũng cho rằng, cần tính thêm 183.000 tỷ đồng mà các ngân hàng giải ngân gián tiếp qua trái phiếu Chính phủ. Nếu vậy, tăng trưởng tín dụng cả năm là khoảng 10%.

Còn ông Trương Văn Phước thì nhìn nhận: “Ngân hàng rất muốn đẩy được tín dụng để có thêm lợi nhuận. Nhưng, nền kinh tế hiện nay suy nhược, ngân hàng khó tìm được ven để bơm vốn tốt hơn”. Giải pháp mà ông khuyến nghị là Chính phủ cần mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp họ giải phóng hàng tồn kho tốt hơn. Đó là tăng tổng cầu cho nền kinh tế. “Nếu bạn còn nhớ lần trao đổi hồi giữa năm 2011 tôi đã mong là có được sự kích thích tổng cầu như vậy. Nhưng mãi gần đây mới thấy một số cơ quan chức năng đặt ra, và hôm qua Thủ tướng Chính phủ phát biểu trước Quốc hội cũng đã chính thức định hướng giải pháp này”, ông Phước nói.

Theo VnEconomy

Theo VnEconomy

Bạn có thể quan tâm