Ba năm trước, anh Hùng (quận Hà Đông – Hà Nội) phải bỏ kế hoạch mua nhà, vì chạy vạy khắp nơi nhưng không thể vay được vốn ngân hàng. Thời điểm đó, các nhà băng anh hỏi đều “phát” lãi suất cao ngất, 16-18%/năm dành cho vay mua nhà.
Không những thế, ngân hàng cũng thẳng thừng từ chối, vì dự án gia đình anh dự định mua tại khu vực quận Hà Đông nằm khá xa trung tâm thành phố, mức thu nhập của cả 2 vợ chồng anh chứng minh cũng chỉ trên chục triệu/tháng.
Nhưng nay thì tình hình đã hoàn toàn khác. Anh Hùng vui vẻ cho biết, căn hộ dự định mua tại một dự án cao cấp cũng thuộc khu vực quận Hà Đông, đã được nhân viên tín dụng ngân hàng mời chào với chương trình vay mua nhà hấp dẫn cố định lãi suất vay trong vòng 1 năm đầu tiên và lời hứa sẽ hỗ trợ tối đa thủ tục và giải ngân nhanh gọn nhất.
Các ngân hàng tung các gói cho vay với lãi suất đã giảm nhiệt đáng kể so với 3 năm trước, và lại được cố định trong 1 đến 3 năm khiến những khách hàng đang có nhu cầu vay mua nhà cảm thấy yên tâm hơn.
Nguồn tiền trong ngân hàng đang dồi dào, tiền vẫn “đổ” vào ngân hàng nên “đầu ra” cũng dễ thở hơn, các nhà băng có cơ sở để “hăm hở” nới rộng chỉ tiêu cho vay cuối năm, đặc biệt là cho vay tiêu dùng mua nhà, sắm ô tô…
Các nhà băng đẩy mạnh cho vay tín dụng tiêu dùng mua nhà, ô tô... vào dịp cuối năm. |
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 27/11/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,28%, huy động vốn tăng 13,33% so với cuối năm 2013.
Trong đó, huy động vốn VND tăng 14,74% chủ yếu ở khu vực dân cư trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn tốt của người dân. Cũng tính đến ngày 27/11/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế tăng 10,22% so với cuối năm 2013. NHNN lạc quan, tăng trưởng tín dụng cuối năm hoàn toàn có thể “cán đích” 12-14%/năm.
Cũng chính vì đưa ra nhiều chương trình ưu đãi “hút” khách nên lượng vốn giải ngân tín dụng cuối năm của các ngân hàng cũng tăng đột biến.
Lãnh đạo trung tâm tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần cỡ vừa có trụ sở tại quận Cầu Giấy tiết lộ, 3 tháng cuối năm, trung tâm đang chạy “rốt đa” giải ngân các khoản vay tín dụng cho khách hàng. Thông thường mức giải ngân trung bình chỉ vài chục tỷ đồng, thì những tháng cuối năm con số này đã tăng lên hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng, gấp 3-4 lần bình thường.
“Riêng tháng vừa rồi chúng tôi giải ngân được 200 tỷ đồng”, vị này tiết lộ. Vị giám đốc trung tâm tín dụng này cũng nhấn mạnh, không phải nhanh là “ẩu”, hồ sơ nộp vào thế nào cũng được “qua” ngay. “Mỗi bộ hồ sơ muốn được giải ngân vẫn phải tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt quy trình thẩm định của ngân hàng, vì rốt cuộc nhà băng vẫn sợ nhất là nợ xấu”, ông nói thêm.
Quan điểm “không chạy theo giải ngân ồ ạt” đã được nhất quán từ sếp cho tới mỗi nhân viên kinh doanh tín dụng.
Chia sẻ với PV Infonet, một nhân viên kinh doanh tín dụng khách hàng cá nhân cho biết, càng thời điểm cuối năm, nhân viên tín dụng phải chạy “mướt mải” tìm khách hàng để lo đủ chỉ tiêu tín dụng hàng tháng.
“Hiện chỉ tiêu của nhân viên kinh doanh tín dụng khoảng 2-3 tỷ đồng/tháng, một con số không hề nhỏ, nên để đạt đủ chỉ tiêu này bọn em cũng phải chạy đôn đáo khắp nơi.
Khách có nhu cầu vay cũng rất nhiều, nhưng để có được bộ hồ sơ đẹp và giải ngân được ngay cũng chẳng dễ dàng gì, vì vẫn phải tuân thủ quy trình thẩm định hồ sơ và giải ngân của ngân hàng”, nhân viên này chia sẻ.
"Và để đủ chỉ tiêu mỗi tháng, cuối năm, nhân viên tín dụng thường 'lướt' bằng cách đẩy mạnh tìm tới khách hàng vay mua ô tô, vì một phần nhu cầu mua ô tô của người dân cuối năm thường rất cao. Thêm nữa, thủ tục hồ sơ lại nhanh, gọn không mất nhiều thời gian như vay mua nhà, bất động sản”, nhân viên tín dụng này tiết lộ thêm.