Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NH Anh có hợp đồng bản quyền truyền hình kỷ lục

Muốn theo dõi giải đấu sôi động nhất hành tinh, khán giả ngày càng phải móc túi một khoản lớn hơn, bởi vì bản quyền giải đấu này đang tăng lên với tốc độ chóng mặt.

Bản quyền truyền hình (BQTH) của Ngoại hạng Anh được chia làm hai phần: nội địa Anh và quốc tế. Hồi tháng hai năm nay, 2 đại gia Sky Sports và BT Sport tiếp tục là những người chiến thắng trong cuộc đấu giá cực kỳ căng thẳng và quyết liệt giành quyền sở hữu BQTH nội địa giai đoạn 2016 – 2019. 

Mức phí mà hai đại gia phải trả là 5,1 tỷ bảng Anh, tức trung bình 1,7 tỷ bảng Anh mỗi mùa. Để so sánh, trong giai đoạn 2013-2016 trước đó, trung bình mỗi năm mức phí phải trả là xấp xỉ 1 tỷ bảng.

Còn đối với gói BQTH quốc tế, hiện tại BTC Premier League vẫn đang tiếp tục đàm phán để bán. Tuy vậy cho đến lúc này, số tiền thu về chắc chắn không dưới 3 tỷ bảng. Tức là, tính cả BQTH nội địa và quốc tế, BTC Premier League có thể thu về từ 8 tỷ bảng trở lên trong 3 năm tới.

BQTH là túi tiền khổng lồ giúp Ngoại hạng Anh trở thành giải đấu giàu có nhất hành tinh.

 Con số này thực sự choáng váng, nếu biết rằng ở giai đoạn 1992-1997 (giai đoạn Premier League mới ra đời), số tiền BQTH nội địa chỉ là 191 triệu bảng. Những năm tiếp theo lần lượt là: 1997-2001: 670 triệu bảng; 2001-2004: 1,2 tỷ bảng; 2004-2007: 1,024 tỷ bảng; 2007-2010: 1,7 tỷ bảng; 2010-2013: 1,77 tỷ bảng; 2013-2016: 3 tỷ bảng; 2016-2019: 5,1 tỷ bảng.

Từ những con số trên có thể thấy, tiền BQTH đại diện cho giá trị và sức hút của Ngoại hạng Anh đã tăng với một tốc độ phi mã. Các thị trường lớn như Mỹ, Hong Kong hay Bắc Âu đều tăng trên 100%, riêng thị trường Brazil tăng đến 231%.

Nếu so sánh với các giải VĐQG hàng đầu châu Âu khác, Ngoại hạng Anh cũng bỏ xa với khoảng cách một trời một vực. Serie A là giải đấu bám sát nhất nhưng chỉ dừng ở mức 1,205 tỷ euro (cả nội địa và quốc tế) cho giai đoạn 2015-2018. La Liga xếp sau với 840 triệu euro, nhưng riêng hai ông lớn Barca và Real đã đút túi 140 triệu euro mỗi đội. BQTH của Bundesliga trong giai đoạn 2013/2017 là 700 triệu euro.

Trong top 10 thị trường lớn nhất của Ngoại hạng Anh, châu Á chiếm đến 5 đại diện. Đó là Hong Kong (42,6 triệu bảng mỗi năm, tính trong giai đoạn 2013-2016), Malaysia (42,6 triệu bảng), Ấn Độ và Tây Á ( 30,93 triệu bảng), Indonesia (17,06 triệu bảng), Trung Quốc và Macau (10,67 triệu bảng).

Ở Hong Kong, tiền bản quyền dự kiến trong ba năm kế tiếp từ 2016 đến 2019 đạt 274 triệu bảng, tức khoảng 91 triệu bảng/năm, tăng tới 116%. Nếu so sánh giai đoạn 2013-2016 với giai đoạn 2010-2013, Myanmar phải chi gấp 125 lần (từ 0,2 triệu bảng lên 25 triệu bảng) để mua BQTH Ngoại hạng Anh. 

Ba nước dẫn đầu về BQTH Ngoại hạng Anh ở khu vực Đông Nam Á là Thái Lan (202 triệu bảng cho ba mùa), xếp sau là Singapore 190 triệu và Malaysia  với 128 triệu.

Năm 2013, IMG Media chào bán cho thị trường Việt Nam gói bản quyền giai đoạn 2013-2016 với mức giá 22 triệu bảng Anh (khoảng 780 tỷ đồng). Mức giá đó thực sự gây sốc, thậm chí nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh không còn được theo dõi các trận cầu nảy lửa của giải đấu sôi động nhất hành tinh. Tuy nhiên cuối cùng, NHM vẫn được thưởng thức Ngoại hạng Anh cho đến tận bây giờ.

Khi gia nhập vào sân chơi quốc tế, Việt Nam sẽ phải hòa mình theo xu thế chung. BQTH Ngoại hạng Anh đang tăng một cách chóng mặt nên chắc chắn chúng ta sẽ phải mua bản quyền với một cái giá có thể là gấp đôi so với giai đoạn trước.

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm