Nhắc tới Nguyễn Việt Hà là người đọc nhớ tới một nhà văn đương đại với ngòi bút sắc sảo, đầy cá tính khi viết về Hà Nội. Từ tiểu thuyết, truyện ngắn, cho đến tạp văn, Hà Nội trong trang viết của tác giả Con giai phố cổ đều hiện ra dưới một góc nhìn rất riêng, không lẫn lộn. Không chỉ là người viết hay, Nguyễn Việt Hà còn rất ham đọc sách và là người đọc rất “sung sức”. Theo như lời PGS- TS Ngô Văn Giá, một người bạn văn thân thiết của Nguyễn Việt Hà thì lượng sách mà tác giả đã đọc có thể lên tới mức “thiên kinh vạn quyển”.
Không chỉ đọc nhiều, Nguyễn Việt Hà còn đọc rất đa dạng, trải rộng trên nhiều thể loại. Ngoài các tác phẩm văn học đương đại Việt Nam cùng những danh tác kinh điển thế giới như: Chiến tranh và hòa bình, Những người khốn khổ, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Viên mỡ bò…, ông còn đọc cả tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long. Tác phẩm của các tác giả đương đại có nhiều cá tính như: Sơn Táp, Cao Hành Kiện, Vệ Tuệ… cũng không nằm ngoài sự quan tâm của nhà văn.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà |
Với mỗi tác phẩm, Nguyễn Việt Hà lại có cái nhìn và cách cảm nhận rất riêng: sâu sắc, hóm hỉnh mà không cứng nhắc, không khuôn sáo, dựa dẫm quá nhiều và lý thuyết. Nhà văn Nguyễn Việt Hà chia sẻ, cho tới tận bây giờ, nếu không có việc gì bận bịu ông đều đến Thư viện Quốc gia để đọc sách mỗi ngày, như một thói quen. Chính niềm đam mê đọc sách đã trở thành cảm hứng để nhà văn viết nên nhiều tạp văn sâu sắc, thú vị.
Đọc văn của Nguyễn Việt Hà, đặc biệt là tản văn, chắc chắn nhiều bạn đọc sẽ phải bật cười, nhưng sau đó bạn sẽ phải suy nghĩ xem mình vừa cười vì điều gì. Giễu nhại một cách đầy thâm thúy, đó là một đặc điểm riêng tạo nên cá tính trong văn phong của tác giả Khải huyền muộn. Nguyễn Việt Hà giễu nhại đời sống nhưng không phải để cười, trong sự giễu nhại đó là sự đau đớn, xót xa trước hiện thực. Đặc biệt là sự chuyển mình nhanh đến chóng mặt của Hà Nội trong thời mở cửa. Thành phố nghìn năm tuổi mất đi cái duyên ngầm từ ngàn đời, thay vào đó là sự nhốn nháo, lai căng, xô bồ khiến nhà văn đau xót.
Mới đây nhà văn Hà thành vừa cho ra mắt tập sách Buổi chiều ngồi hát. Cuốn sách tập hợp những truyện ngắn chọn lọc của Nguyễn Việt Hà trong hơn 20 năm qua. Người yêu truyện ngắn của “nhà văn của phố cổ” có thể gặp lại những tác phẩm đã để lại dấu ấn cho tác giả như: Mãi không tới núi, Mối tình đầu, Thiền giả,… cho tới những sáng tác gần đây là: Buổi chiều ngồi hát, Họp lớp cũ… Tuy không nói rõ từng tên phố, tên đường, nhưng người đọc vẫn nhận ra một Hà Nội của hôm nay thấp thoáng trong trang văn. Một Hà Nội xô bồ, nhốn nháo khi người người đua nhau chạy theo sự hào nhoáng của đồng tiền.
Tập truyện ngắn Buổi chiều ngồi hát. |
Bằng cái nhìn đầy trách nhiệm, Nguyễn Việt Hà không che giấu cho những cái xấu, những “ung nhọt” đang dần lớn lên trong lòng Hà Nội của hiện tại. Là một người con gốc Hà thành, Hà Nội với Nguyễn Việt Hà không chỉ là quê hương, đó còn là một mảnh đất để thương, để nhớ, để tiếc nuối và hoài niệm. Nhưng nhà văn cũng dùng tác phẩm của mình để gìn giữ vẻ đẹp của Hà Nội mà bản thân mình đã sống qua một thời tuổi trẻ.
Một Hà Nội mang màu sắc thị dân với những quán café nhỏ nhắn, trầm mặc trong lòng phố cổ, những quán phở gia truyền tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ở đó chủ quán nhớ rõ sở thích của từng vị khách quen. Còn khách hàng dù lâu đến mấy cũng cố đợi bát tái gầu vừa miệng. Kinh kỳ ngàn năm tuổi trong văn của Nguyễn Việt Hà nhộn nhịp nhưng không xô bồ, nó đáng quý, đáng yêu mà đáng trọng vô cùng.